Trên Twitter, ông cho biết: "Việc các tổ chức liên tục không chấp nhận những biện pháp như thế này chưa từng xảy ra trước đây, như với Ireland hay Bồ Đào Nha". Điều này cho thấy họ không muốn đạt thỏa thuận, hoặc không vì lợi ích của Hy Lạp, ông nhận xét.
Hôm nay, ông Tsipras sẽ có cuộc họp với Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - ông Mario Draghi, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - bà Christine Lagarde và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) - Jean-Claude Juncker. Sau cuộc gặp với Tsipras, bộ trưởng tài chính các nước eurozone cũng sẽ có phiên họp khác vào cuối ngày. Đây là lần gặp mặt thứ 3 của họ trong vòng một tuần qua, nhằm tìm ra biện pháp giải quyết vấn đề Hy Lạp. Ngày mai (25/6), các lãnh đạo 28 nước EU cũng sẽ nhóm họp.
Tsipras biết rằng nếu không có thỏa thuận với châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông có thể đẩy đất nước vào cảnh vỡ nợ và phải rời eurozone. Hy Lạp đang nợ IMF 1,5 tỷ euro, đáo hạn vào cuối tháng này. Một quan chức giấu tham gia đàm phán cho biết nhóm chủ nợ có thể sẽ gửi lại Hy Lạp bản đề xuất đã sửa đổi theo ý họ.
Hôm thứ Hai, Chính phủ Hy Lạp đã đưa ra bản đề xuất nhượng bộ với các chủ nợ. Trong đó gồm các biện pháp hạn chế nghỉ hưu sớm, tăng thuế giá trị gia tăng, tăng thuế thu nhập với nhóm người có thu nhập trung bình và cao. Họ cũng sẽ áp thuế mới lên các công ty có lợi nhuận ròng hàng năm trên 500.000 euro (568.000 USD).
Ban đầu, các đề xuất này được đánh giá khá tích cực. Bộ trưởng Tài chính Hà Lan - Jeroen Dijsselbloem còn cho biết đề xuất mới của Hy Lạp sẽ là nền tảng cho một thỏa thuận khai thông thế bế tắc trong vài ngày tới.
Hà Thu (theo Bloomberg)