Ngày 24/2, phát biểu tại hội nghị triển khai công tác y tế năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Y tế hoàn thiện thể chế theo tinh thần bám sát thực tiễn. Các văn bản quy phạm pháp luật cần được rà soát để gỡ khó về đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
"Phải giải quyết dứt điểm việc thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, không để tiếp diễn tình trạng người bệnh phải mua ngoài", ông nói, lưu ý ngành y tập trung cấp phép, gia hạn thuốc và trang thiết bị.
Theo Thủ tướng, hệ thống văn bản pháp luật ngành y còn nhiều vướng mắc, chưa đầy đủ, nhất là mua sắm, đấu thầu, liên doanh, liên kết, quản lý, sử dụng tài sản công. Xây dựng thể chế chưa được quan tâm đúng mức cả về nhân lực, cơ sở vật chất, thời gian, tài chính.
Trong 11 nhiệm vụ trọng tâm Thủ tướng giao ngành y tế, ông nhấn mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, uy tín; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ. Bộ Y tế cần ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh chữa bệnh; xây dựng, sửa đổi các luật đã được đưa vào kế hoạch của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ.
Ông yêu cầu ngành y kiểm soát hiệu quả Covid-19 và các dịch bệnh khác; nâng cao năng lực dự báo, phân tích, xây dựng kịch bản ứng phó dịch bệnh. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần đánh giá kết quả tự chủ của các bệnh viện công để hoàn thiện quy định, đẩy mạnh xã hội hóa, đầu tư theo phương thức đối tác công tư trên cơ sở tìm điểm cân bằng để lợi ích hài hòa, chia sẻ giữa nhà nước, bệnh viện, người dân.
"Bộ Tài chính và Y tế nhanh chóng sửa đổi quy định theo hướng đơn giản thủ tục hành chính để giải quyết về thẩm quyền phê duyệt quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xác lập sở hữu toàn dân với trang thiết bị, vật tư tiêu hao", Thủ tướng chỉ đạo.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ngành y phát triển toàn diện cả công lập và tư nhân, hiện đại và dân tộc, chuyên môn và dược liệu, con người và cơ sở vật chất. Mô hình hợp tác công tư cần đẩy mạnh, huy động nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững.
Các dự án dang dở như Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Lão khoa cơ sở 2 phải được giải quyết dứt điểm. Cơ sở y tế công lập có thể được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi, vay thương mại. "Việt Nam sẽ xây dựng thương hiệu một số lĩnh vực y học hiện đại và cổ truyền có thế mạnh. Du lịch khám chữa bệnh cũng được đẩy mạnh", ông Chính nói.
Lãnh đạo Chính phủ chia sẻ, trong các giai đoạn lịch sử của đất nước, ngành y phải đối mặt nhiều khó khăn nhưng đã vượt qua, không ngừng lớn mạnh với nhiều tài năng như giáo sư Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ.
Việt Nam cũng được đánh giá cao trên bản đồ y tế thế giới với nhiều chuyên gia, bác sĩ có tay nghề, uy tín tầm khu vực và quốc tế. Nhiều lĩnh vực y tế chuyên sâu của Việt Nam được thế giới đánh giá cao như phẫu thuật nội soi tuyến giáp, ghép tạng, can thiệp tim mạch, bấm huyệt, châm cứu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong mỗi y bác sĩ giỏi chuyên môn, sâu y lý, giàu y đức, giỏi y thuật. Càng khó khăn, y, bác sĩ càng phải đoàn kết, chung sức vì sức khỏe, tính mạng người dân. Cùng với đó, Bộ Y tế phải nghiên cứu chế độ đãi ngộ thu hút nhân lực chất lượng cao, đảm bảo cân đối giữa các tuyến, lĩnh vực, vùng miền.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết năm 2022 ngành vượt chỉ tiêu số bác sĩ và giường bệnh trên 10.000 dân; đạt chỉ tiêu tỷ lệ dân tham gia bảo hiểm y tế. Covid-19 và dịch bệnh truyền nhiễm khác được kiểm soát tốt, không để dịch chồng dịch.
Tuy nhiên, ngành y đang đối mặt nhiều thách thức, trong đó có tình trạng nghỉ việc của nhân viên y tế công lập; thiếu thuốc; năng lực y tế cơ sở, dự phòng hạn chế; công nghiệp dược chưa như kỳ vọng. "Tất cả khó khăn nêu trên đang tạo sức ép lớn, trong khi nhiệm vụ năm 2023 với ngành y rất nặng nề", Bộ trưởng Lan chia sẻ.