Sáng 19/7, làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần Chính phủ sẵn sàng đồng hành với Hà Nội bất cứ lúc nào để giải quyết các vướng mắc, khó khăn, trước mắt là phòng chống Covid-19.
Ông nhấn mạnh thêm một số bài học với thủ đô, trong đó tuyệt đối không được lơ là, mất cảnh giác khi chưa có dịch hoặc khi dịch đi qua; "không được mất bình tĩnh, hoảng sợ, mất kiên định, kiên trì khi dịch trở lại hoặc diễn biến phức tạp hơn; cần chuẩn bị kịch bản cao hơn bình thường".
Theo Thủ tướng, các dự báo cho thấy đợt dịch này còn diễn biến phức tạp và kéo dài, với đặc điểm là tấn công vào các khu đô thị tập trung dân cư lớn (như Hà Nội, TP HCM), nơi giao lưu, đầu mối các hoạt động kinh tế, các khu công nghiệp (như Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...) và diễn biến rất nhanh, khó lường với biến chủng mới. Do vậy, các cơ quan chức năng cần dự báo sát tình hình để có đối sách, cách tiếp cận mới phù hợp.
Về mục tiêu trước mắt, Thủ tướng nêu rõ "chúng ta quyết tâm bảo vệ thủ đô không bị diễn biến xấu. Những nơi nào an toàn thì vừa phòng chống dịch, vừa tổ chức sản xuất cho tốt".
Lãnh đạo Chính phủ nhắc lại quan điểm thống nhất, xuyên suốt là "chống dịch như chống giặc, tích cực chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công khi tình hình diễn biến phức tạp"...
Ông nói phòng, chống dịch phải "quyết tâm hơn, có trọng tâm hơn"; bảo đảm thực hiện rất nghiêm Chỉ thị 15, 16 tại các địa bàn áp dụng, đặc biệt là cương quyết thực hiện người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, khu phố cách ly với khu phố, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện.
"Phong tỏa hẹp nhưng chặt chẽ, xét nghiệm rộng nhưng kỹ càng", Thủ tướng nói và yêu cầu tiêm vaccine phải kịp thời, hiệu quả, an toàn, khoa học; giám sát thực hiện nghiêm 5K+vaccine và ứng dụng công nghệ rộng rãi, chặt chẽ.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần tập trung cứu chữa bệnh nhân nặng, hạn chế tối đa các ca tử vong; bảo vệ thông suốt dòng cung ứng về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân và quân đội phải vào cuộc trong nhiệm vụ này.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói thành phố cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, cùng với sự bùng phát dịch bệnh tại TP HCM và các tỉnh phía nam, Hà Nội đã phát sinh một số ca nhiễm mới trong cộng đồng.
Cùng với việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chống dịch, thành phố đang tập trung thực hiện gói hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch theo nghị quyết số 68 của Chính phủ (gói 26.000 tỷ đồng).
Theo ông Dũng, thực tiễn hiện nay cho thấy, Hà Nội đang đứng trước những thách thức rất lớn; trong đó, lớn nhất là diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và sự quá tải về hạ tầng kinh tế - xã hội đang ngày càng gia tăng; hệ thống giao thông kết nối liên vùng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển.
Hệ thống chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rủi ro, trong khi công tác cải tạo, xây dựng lại các công trình này thực hiện rất chậm.
Nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Bí thư Hà Nội nói "phải đổi mới tư duy" và "biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể"...
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, thành phố đang tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, đặc biệt là tập trung cao độ giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch... Hà Nội đã chủ động xây dựng phương án đáp ứng tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 với tối đa 200.000 mũi tiêm mỗi ngày.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo, các cơ quan liên quan phối hợp để khẩn trương hoàn thành dứt điểm, đưa vào sử dụng dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông "trong thời gian sớm nhất".
Từ ngày 5/7 đến nay, Hà Nội ghi nhận 200 ca nhiễm, trong đó 3 ổ dịch mới phát sinh từ ngày 16/7 gồm 90 Nguyễn Khuyến, ghi nhận 41 ca; B8 Tân Mai ghi nhận 16 ca và 132 Bùi Thị Xuân ghi nhận 19 ca nhiễm; còn chùm lây nhiễm tại Khu công nghiệp Thăng Long đã ghi nhận 61 ca. Tổng số ca nhiễm tại Hà Nội từ ngày 29/4 là 459.