Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 24/1 có buổi đối thoại với Chủ tịch WEF – Borge Brende về triển vọng và các vấn đề mà những nước mới nổi, có tốc độ tăng trưởng cao phải đối mặt, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ).
Ông Brende cho biết Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, có các số liệu "đáng kinh ngạc". Chủ tịch WEF cũng ấn tượng với những thay đổi lớn tại Việt Nam mỗi lần ông ghé thăm.
Thủ tướng cho biết 2018 là năm Việt Nam đạt toàn diện mục tiêu, về tốc độ tăng trưởng, ổn định vĩ mô và an sinh xã hội. Ông khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục tăng tốc phát triển trong năm 2019 và sẽ "làm hết sức để duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bền vững". Mục tiêu này sẽ được thực hiện thông qua nhiều biện pháp, như đổi mới thể chế, ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0, tái cơ cấu nền kinh tế và đào tạo nhân lực.
Khi được hỏi Việt Nam sẽ làm gì để gây bất ngờ cho thế giới trong 5 năm tới, Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục cải tổ, cải thiện môi trường đầu tư, tạo ra nhiều việc làm và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. "Tôi cho rằng trong bối cảnh quốc tế hiện nay, chúng ta giữ được đà tăng trưởng cao cũng là một sự cố gắng, nếu không muốn nói là một bất ngờ", ông kết luận.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, Thủ tướng cho biết "vẫn lạc quan về phát triển kinh tế của các nước, trong đó có Việt Nam". Ông khẳng định "Việt Nam vẫn là bạn của các nước" và sẽ tăng phối hợp để phát triển đồng đều, không chỉ chú trọng vào tốc độ, mà còn là chất lượng tăng trưởng.
![Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi đối thoại tại Davos. Ảnh: TTXVN](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2019/01/24/thu-tuong-davos-2039-1548332704.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=1RuYwbDMUgY1s7Szd14ToA)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi đối thoại tại Davos. Ảnh: TTXVN
Dù vậy, Brende cho biết mô hình tăng trưởng của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Vì vậy, khi tăng trưởng suy giảm, các nước mới nổi có thể sẽ chịu ảnh hưởng. Thủ tướng đồng tình với quan điểm này. Người đứng đầu Chính phủ nhận định khi tăng cường hội nhập, các nước sẽ chịu ảnh hưởng nếu xung đột thương mại diễn ra. Và đây là "những nguy cơ lâu dài".
Thủ tướng cho biết Việt Nam "ủng hộ thương mại tự do, đa phương" và đánh giá được các va chạm thương mại để điều chỉnh chính sách, nhằm ngăn tăng trưởng sụt giảm. Việt Nam cũng đã chủ động đón bắt Cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất lao động, giúp nền kinh tế không chỉ cạnh tranh bằng vốn và lao động giá rẻ, mà còn bằng khoa học và đổi mới sáng tạo.
Trả lời câu hỏi của Chủ tịch WEF về cách đối phó với thách thức trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng, Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy nội lực của doanh nghiệp trong nước, tăng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), phát triển khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy kinh tế số và tăng hội nhập quốc tế thông qua các FTA.
Nói về thách thức của Cách mạng 4.0 với vấn đề lao động, người đứng đầu Chính phủ cho rằng mọi người "không nên quá lo lắng về vấn đề này mà không tiến hành mạnh mẽ Cách mạng Công nghiệp 4.0". Vấn đề lao động có thể giải quyết thông qua đào tạo nghề, để họ làm được các công việc mới.
Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam đang tích cực tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để tăng sự tham gia của nhà đầu tư ngoại và lĩnh vực tư nhân.
Hà Thu