-
07h30
1.000 khách mời dự Diễn đàn Doanh nghiệp Công nghệ Việt Nam
Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có một diễn đàn cấp quốc gia bàn riêng về chủ đề doanh nghiệp công nghệ. Diễn ra cả ngày 9/5 tại Hà Nội với 4 phiên thảo luận, Diễn đàn sẽ bàn về bài toán về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Tại đây, Bộ thông tin và các doanh nghiệp lớn, tiêu biểu cùng chuyên gia nước ngoài sẽ đưa ra các thảo luận cũng như bài học kinh nghiệm, theo định hướng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ.
Định hướng đến năm 2030, Việt Nam có khoảng 100.000 doanh nghiệp công nghệ, lọt top 30 cường quốc về công nghệ thông tin.
Diễn đàn do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức với sự tham gia và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và gần 1.000 đại diện Chính phủ, các bộ ngành, doanh nghiệp công nghệ và công ty khởi nghiệp hàng đầu. Báo VnExpress phối hợp tổ chức.
Chương trình có sự đồng hành của Công ty Cổ phần VNG, Be Group, VCCorp, VSmart, CMC, MISA, Saigontourist, MobiFone, MK Group.
-
08h00
Thủ tướng tham quan các gian hàng tại bức tường công nghệ 'Make in Vietnam'
Có mặt tại Diễn đàn từ rất sớm, Thủ tướng dành nhiều thời gian tham quan các gian hàng được trưng bày tại bức tường công nghệ Việt. Với sự giới thiệu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Thủ tướng được nghe về công nghệ được ứng dụng trong các sản phẩm tại đây.
Những doanh nghiệp có mặt tại trung tâm triển lãm này đều là những cái tên tiêu biểu, sở hữu tiềm năng lớn, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao do người Việt sản xuất và cung cấp.
Khu trưng bày được thiết kế và chia theo 5 khu vực, gồm Công nghiệp 4.0; Kinh tế, tài chính, thương mại điện tử; Giao thông, xây dựng và tài nguyên, môi trường; Y tế, du lịch; Nông nghiệp và Chuyển đổi số.
-
08h40
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông phát biểu khai mạc
Mở đầu chương trình, ông Nguyễn Mạnh Hùng chào đón sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Theo ông, sự có mặt của Thủ tướng thể hiện tầm quan trọng của diễn đàn, sự quan tâm của Chính phủ với sự phát triển của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.
Tăng năng suất lao động, phát triển nhanh, bền vững, thoát bẫy thu nhập trung bình... là câu hỏi đặt ra cho Việt Nam hiện nay với khát vọng về một đất nước hùng cường, phát triển. Công nghệ chính là lời giải cho những bài toán này. Sự phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra cơ hội, thời cơ "có một không hai" cho Việt Nam.
"Việt Nam là cái nôi để doanh nghiệp công nghệ đi ra toàn cầu, giải các bài toán toàn cầu. Sử dụng công nghệ nhân loại sẽ đưa Việt Nam ra thế giới", ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Theo ông, đây là lần đầu tổ chức diễn đàn công nghệ mang tầm cỡ quốc gia, bàn về tương lai phát triển của Việt Nam. Slogan "Make in Việt Nam" chính là chiến lược tạo ra điều đó.
"Make in Vietnam" là một cách gọi sáng tạo, muốn nói đến sự sáng tạo, thiết kế và sản xuất đều thực hiện tại Việt Nam. Đây là trách nhiệm của chúng ta như một quốc gia toàn cầu và công dân toàn cầu
"Nếu chúng ta chỉ lắp ráp thì không thể giải bài toán năng suất lao động. Công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng", Bộ trưởng nói.
Ông nêu ví dụ, các công ty không thể sản xuất, marketing hiệu quả nếu không áp dụng công nghệ. Các công ty công nghệ, sản xuất công nghệ đều là nhân tố quan trọng để phát triển Việt Nam Vì vậy, phát triển công nghệ là ưu tiên hàng đầu.
Năm 2019, Việt Nam sẽ chuyển đổi số nền kinh tế. Chuyển đổi số là tiền đề cho đổi mới sáng tạo. Nói đến công nghệ là nói đến nhân tài. Ngoài đội ngũ nhân tài trong nước, Việt Nam đang thu hút nhiều nhân tài ngoài nước. Diễn đàn sẽ lắng nghe những đề xuất để thu hút nhân tài toàn cầu.
-
08h49
Công nghệ cần được phát triển và áp dụng vào tất cả các lĩnh vực đời sống, văn hoá của đất nước
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, một số công ty dịch vụ Việt Nam từng tuyên bố là tập đoàn công nghệ, nhiều quốc gia trên thế giới đã hoá rồng trên nền tảng phát triển của những tập đoàn công nghệ lớn.
Theo ông, đổi mới sáng tạo không thể không nói đến những startup. Những khởi nghiệp công nghệ này đang tạo ra sự thay đổi trong nền kinh tế, rồi nhanh chóng vươn mình trở thành những tập đoàn công nghệ toàn cầu. "Việt Nam rất cần những doanh nghiệp như vậy", ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Diễn đàn lần này cũng sẽ nói đến hệ sinh thái sáng tạo, startup công nghệ. Theo ông, Việt Nam cần các khởi nghiệp công nghệ, bước đầu sử dụng công nghệ để phát triển giải pháp rồi từ đó tạo nên cuộc cách mạnh công nghệ toàn dân. Những khởi nghiệp công nghệ nhỏ sẽ trở thành người khổng lồ.
Lần đầu tiên, diễn đàn sẽ đề xuất các giải pháp cho doanh nghiệp phát triển, đặt ra các tiêu chuẩn không ngừng cao hơn cho doanh nghiệp, buộc phải đổi mới công nghệ. Lần đầu tiên diễn đàn bàn sâu về một câu chuyện còn mới với đất nước. Diễn đàn cũng sẽ đề xuất với Chính phủ các tiêu chuẩn cao hơn để doanh nghiệp phát triển.
"Sự chuyển đổi lớn nhất là của tất cả mọi người. Nơi ứng dụng công nghệ đầu tiên là giáo dục và các doanh nghiệp giáo dục. Đổi mới giáo dục, dạy ICT và ngoại ngữ là thiết yếu. Chúng ta cần ngôn ngữ mẹ đẻ để duy trì văn hoá, tiếng Anh để hội nhập và ICT để giao tiếp với máy móc. "Chúng ta đặt ra một khát vọng và một tầm nhìn, chúng ta có niềm tin vào tương lai Việt Nam, niềm tin vào công nghệ và sự phát triển của các doanh nghiệp và sự phát triển của đất nước", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định.
-
9h10
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung: Những công nghệ đang giải quyết bài toán của thành phố
Theo chủ tịch Nguyễn Đức Chung, thế giới đang chuyển sang cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4. Mỗi địa phương phải tìm ra những giải pháp công nghệ thông minh để nâng cao hiệu quả giải quyết các vấn đề vận hành bộ máy.
Ông Nguyễn Đức Chung cho biết trong những năm qua, Hà Nội đã thực hiện cùng lúc nhiều chương trình công nghệ thông tin trên toàn địa bàn. Trong đó, tập trung vào xây dựng mối liên hệ giữa các cơ quan ban ngành, ứng dụng số hoá giúp tiết kiệm thời gian, chí phi và nâng cao hiệu quả làm việc với nhân dân và doanh nghiệp. Hà Nội hướng tới mục tiêu đưa dịch vụ số đến với mọi người, ở bất kỳ đâu.
Bên cạnh đó, Hà Nội thúc đẩy tiềm năng công nghệ qua nhiều cách như: chuyển toàn bộ đầu tư công sang thuê dịch vụ số; huy động mọi nguồn lực từ doanh nghiệp trên địa bàn; xây dựng hệ thống phần mềm quản lý nghiệp vụ; tích hợp và khai thác các dịch vụ số; ứng dụng tối đa các văn bản điện tử; sử dụng hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu số; tăng ứng dụng trên thiết bị di động; chuẩn hoá công nghệ thông tin cho nhân dân; khuyến khích người dân tăng sử dụng công nghệ số.
Trong 3 năm qua, kế hoạch xây dựng chính phủ điện tử của thành phố Hà Nội đạt được nhiều kết quả tích cực. Hơn 9 triệu dân được đưa vào cơ sở dữ liệu dân cư, vấn đề kết nối giữa sở ban ngành, cơ quan liên quan đến thành phố được thực hiện nhanh gọn. Các dịch vụ công trực tuyến được xử lý nhanh chóng.
-
09h27
Hà Nội tiên phong tạo cơ chế mở cho doanh nghiệp phát triển
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng liệt kê ra 17 chương trình thành phố đang ứng dụng công nghệ trong ở hầu hết các lĩnh vực lớn. 3,530 doanh nghiệp công nghệ thông tin đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội tạo ra doanh thu 244.266 tỷ đồng năm 2018. Đây là một kết quả chứng minh Hà Nội đang thu hút nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn, phục vụ phát triển thành phố thông minh.
Trước những mục tiêu đã đưa ra, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, thành phố cần xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng xa lộ thông tin đến mọi ngóc ngách đồng thời khuyến khích doanh nghiệp sản xuất công nghệ mới.
Bên cạnh đó, thành phố đang xây dựng cơ sở dữ liệu, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng này nhằm tạo ra hệ sinh thái công nghệ. Ứng dụng công nghệ cần có chính sách thiết thực về tài chính để giúp các doanh nghiệp, địa phương ứng dụng công nghệ thông tin.
Về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, Chủ tịch Hà Nội đề xuất đưa các chương trình liên quan đến công nghệ vào giảng dạy từ hệ phổ thông. Chính sách này sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, xóa mù công nghệ thông tin để trở thành cường quốc công nghệ trong 15 năm tới.
"Thành phố sẽ cải cách làm thông thoáng cơ chế, trở thành một trong những thành phố đầu tiên có cơ chế mở cho doanh nghiệp phát triển", ông Chung nói.
Ngoài ra, thành phố sẽ tạo điều kện cho doanh nghiệp phát triển, chủ động rà soát, bãi bỏ những cái không cần thiết, bổ sung cái mới đồng thời kết nối cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Chủ tịch Hà Nội cũng mong muốn Chính phủ có cơ chế, chính sách để hỗ trợ các địa phương, thí điểm cơ chế đầu tư công nghệ thông tin, xây dựng, công bố các tiêu chuẩn về cơ sở dữ liệu tại các địa phương.
-
09h35
Ông Lữ Thành Long, Chủ tịch Công ty MISA trình bày tham luận phát triển ứng dụng công nghệ thúc đẩy tăng trưởng bền vững
Mở đầu bản tham luận, ông Long cho biết, cách đây 25 năm, các doanh nghiệp Việt Nam chưa có công tác kế toán bằng phần mềm, tuy nhiên, từ khi MISA thành lập đến nay, công ty đã triển khai thành công ứng dụng kế toán cho 75% đơn vị hành chính sự nghiệp, 47% doanh nghiệp vừa và ra mắt sổ thu chi miễn phí cho hàng triệu khách hàng cá nhân.
MISA cũng đã tham gia vào bài toán chuyển đổi hoá đơn giấy sang hoá đơn điện tử, tiết kiệm tới 10.000 tỷ. Công ty cũng triển khai ứng dụng meInvoice - giải pháp hóa đơn điện tử đầu tiên ứng dụng thành công Blockchain để đảm bảo tính tin cậy và minh bạch; giải pháp điện toán đám mây giúp việc triển khai chỉ trong vài phút. Đây cũng là hệ thống có tính mở cao: cho phép tích với hệ thống thanh toán của ngân hàng, hệ thống bán hàng, hệ thống tài chính kế toán khác.
Trả lời câu hỏi "MISA giải quyết bài toán nhân lực kế toán cho doanh nghiệp như thế nào?", ông Long cho biết công ty sẽ ứng dụng công nghệ AI và Machine Learning giúp tự động nhập liệu và hạch toán kế toán, làm tăng năng suất gấp 10 lần; sử dụng công nghệ điện toán đám mây để giải quyết bài toán cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp; tạo một hệ thống mở để kết nối doanh nghiệp với ngân hàng, thuế, và các đơn vị khác.
Theo Chủ tịch MISA, doanh nghiệp phần mềm Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để giải quyết các bài toán lớn cho đặc thù cho Việt Nam mà các doanh nghiệp nước ngoài không thể làm được. Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ và ứng dụng thành công các công nghệ mới nhất như Blockchain, AI, Machine Learning,... vào các sản phẩm.
"Xây dựng một ứng dựng thuần Việt và triển khai tại Việt Nam không phải là điều dễ dàng nhưng MISA đã làm được. Bản thân MISA không chỉ làm ra sản phẩm sử dụng tốt tại Việt Nam mà còn có thể bán được ra nước ngoài, ví dụ như sản phẩm CUKCUK đã có mặt tại 10 quốc gia như Đức, Myanmar, Mỹ, Nhật...", ông Lữ Thành Long bày tỏ.
-
09h40
Doanh nghiệp cần tiếp cận nền tảng công nghệ mở để kết nối với nền kinh tế số
Bắt đầu từ khẩu hiệu "Khát vọng, tầm nhìn trở thành Việt Nam hùng cường", ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn CMC trình bày tham luận về việc xây dựng hệ sinh thái hạ tầng mở để khai phóng các doanh nghiệp số.
Theo ông, sau 26 năm phát triển, CMC luôn trăn trở làm sao để đưa Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc năm châu. "Công nghệ số sẽ giúp Việt Nam cất cánh", ông nói.
Hiện tại, Internet đang tác động đến mọi khía cạnh của đời sống. Xu thế của cách mạng 4.0 là hệ thống nền tảng và kinh doanh nền tảng ra đời. Thách thức của doanh nghiệp là năng suất, trí tuệ, tốc độ, kết nối và cung cấp công nghệ mọi lúc mọi nơi. Với bất kỳ doanh nghiệp nào, việc kết nối là yếu tố quan trọng trong kỷ nguyên số. Các quốc gia như Hàn Quốc thành công vì đã chiếm lĩnh được công nghệ.
Sau 3 năm nghiên cứu, CMC cung cấp C.OPE2N là nền tảng công nghệ mở để giải quyết nhu cầu chuyển đổi số của Việt Nam và nhu cầu ứng dụng các công nghệ mới như Big Data, IoT, BlockChain, Security... Đây là một nỗ lực của CMC nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế số Việt Nam trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.
Theo ông, mọi doanh nghiệp đều có thể tiếp cận nền tảng mở này để kết nối với nền kinh tế số. Nhà nước cần có lộ trình và chiến lược để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, trở thành trụ cột nền kinh tế quốc dân, vươn tầm thế giới.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ hướng tới chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế World Class, vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước, vừa nâng cao sức cạnh tranh, xuất khẩu.
-
09h50
Nâng tầm quy mô doanh nghiệp bằng ứng dụng công nghệ như thế nào
Ông Phạm Hải Văn, Giám đốc miền Bắc, Công ty Haravan chỉ ra rằng mỗi doanh nghiệp khi đưa các mảng kinh doanh lên thị trường trực tuyến đều tạo ra thay đổi tích cực.
Trả lời câu hỏi tại sao các doanh nghiệp phải ứng dụng chuyển đổi số, ông Phạm Hải Văn cho rằng Việt Nam đang có nhu cầu cao về công nghệ. Điều này khiến các doanh nghiệp phải mở rộng kinh doanh vào lĩnh vực công nghệ.
Dẫn chứng là mảng online đang đem lại doanh thu 10% cho những đơn vị hợp tác với Haravan như Vinamilk, hay tiết kiệm 50% chi phí cho Biti’s. Nhãn hàng giày tập trung vào đối tượng khách hàng trẻ, đây cũng là nhóm khách hàng sử dụng nhiều ứng dụng điện tử, điện thoại thông minh.
"Hệ thống online giải quyết được bài toán làm việc của hơn 100 cửa hàng một cách nhanh chóng, thay vì phải tốn nhiều chi phí, nhân lực", đại diện Haravan tính toán.
Thời gian tới, Haravan hướng đến ra thị trường quốc tế, trước mắt sẽ Đông Nam Á. Đây cũng là định hướng của chung mà Haravan khuyên các doanh nghiệp công nghệ trong nước nên đặt mục tiêu.
-
09h53
Doanh nghiệp Việt cần cùng nhau xây dựng và làm chủ hệ sinh thái công nghệ trong nước rồi vươn ra thế giới
Ông Trần Thanh Hải - Tổng giám đốc công ty cổ phần Be Group cho biết, Be Group ra đời theo đuổi tư duy bền vững nhằm xây dựng hệ sinh thái số. Là công ty sở hữu ứng dụng vận tải, sau 5 tháng triển khai kế hoạch, công ty đã đạt được nhiều thành quả như hoàn thành 10 triệu chuyến xe.
Theo Tổng giám đốc Be Group, môi trường khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam đã phát triển mạnh nhưng vẫn tồn đọng những bất cập. "Chính sách điều kiện kinh doanh áp dụng cho các startup còn khá khắt khe, một số doanh nghiệp nước ngoài chưa tuân thủ các chính sách trong nước, nếu không thay đổi những vấn đề này thì chúng ta không làm chủ được công nghệ", ông Hải lý giải.
Đề xuất giải pháp cho bài toán này, ông Trần Thanh Hải cho rằng, các doanh nghiệp nên tập trung đầu tư bài bản, nghiêm túc, có chiều sâu, tránh phụ thuộc vào nước ngoài. Ông cũng nêu ví dụ điển hình là mạng xã hội và các nền tảng chia sẻ nội dung số mà chúng ta sử dụng hoàn toàn là của nước ngoài, dữ liệu lưu trữ ở nước ngoài. Trong khi đó, ở thời đại 4.0, dữ liệu là tài nguyên quốc gia. Các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư chất xám, xây dựng hệ sinh thái công nghệ Việt.
"Để vươn tới khu vực, chúng ta phải có nền tảng trong nước, phải nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, không để mất thị trường nội địa cho các doanh nghiệp nước ngoài, để công nghệ có thể ứng dụng vào nhiều lĩnh vực đời sống. Be Group cũng cam kết đồng hành cùng Chính phủ và các doanh nghiệp khách trong tiến trình xây dựng và làm chủ hệ sinh thái công nghệ Việt Nam", đại diện Be Group khẳng định.