Việt Nam hiện có 676 doanh nghiệp nhà nước, trong đó 70% đơn vị do Nhà nước nắm toàn bộ vốn điều lệ, còn lại giữ cổ phần chi phối.
Tại cuộc gặp ngày 3/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại quan điểm khu vực Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, đầu tàu trong nền kinh tế.
Ông cho rằng trong bối cảnh hội nhập mới, các doanh nghiệp này cần tiên phong trong đổi mới sáng tạo, nắm bắt công nghệ các lĩnh vực mới nổi (công nghệ cao, chip bán dẫn...).
"Các doanh nghiệp nhà nước không làm ăn riêng lẻ mà cần liên kết với các tập đoàn nước ngoài, tư nhân để tạo chuỗi giá trị. Đây là cơ sở để khu vực này đa dạng thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng", Thủ tướng nói.
Năm 2023, kinh tế nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp nhà nước ghi nhận tổng doanh thu 1,65 triệu tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 126.000 tỷ đồng. Các chỉ tiêu này đều vượt 4-8% kế hoạch. Họ cũng giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, thu hút 700.000 lao động.
Dù vậy, Thủ tướng cho rằng các tập đoàn, tổng công ty phát triển chưa tương xứng nguồn lực, chưa thể hiện vai trò dẫn dắt. Bởi, nhiều khoản đầu tư ra nước ngoài gặp khó khăn, một số dự án lỗ lũy kế lớn trong nhiều năm, tái cơ cấu chưa hiệu quả. Một số đơn vị để xảy ra sai phạm, tham nhũng, phải xử lý.
Nguyên nhân là có nơi, có lúc bị động, chậm phản ứng trước biến động lớn, tái cấu trúc chưa phù hợp. "Tinh thần đổi mới sáng tạo ở một số tập đoàn, tổng công ty hạn chế, còn sợ sai, sợ trách nhiệm", ông nói.
Để khắc phục, Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp đổi mới, tái cấu trúc quản trị, bộ máy và nguồn vốn để nâng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ông lưu ý vai trò của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trong sử dụng vốn cho đầu tư phát triển.
Với các bộ ngành, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên tinh thần "không để họ đến xin, đến kêu, mới làm". Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư xây dựng đề án về quản lý doanh nghiệp nhà nước, theo hướng tách bạch chức năng chủ sở hữu và quản lý nhà nước.