Tại buổi đối thoại với doanh nghiệp lần thứ ba kể từ đầu nhiệm kỳ sáng nay (23/12), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nhìn nhận, doanh nghiệp yếu kém chắc chắn có "trách nhiệm của Nhà nước". Vì thế, ông muốn nghe nhiều hơn nữa ý kiến về cải cách thủ tục hành chính, thể chế, thanh, kiểm tra...
Ngoài nêu rõ thách thức trong bối cảnh khó khăn, chiến tranh thương mại và hiến kế cho Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc đề nghị chỉ rõ "địa chỉ" cơ quan nào gây phiền hà, văn bản của Bộ, ngành nào gây cản trở cho doanh nghiệp.
Tiếp xúc và làm việc với một số địa phương, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - chuyên gia kinh tế, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam thấy, nhiều nơi, đặc biệt là các sở, ngành còn bàng quan, vô cảm trước khó khăn của doanh nghiệp. "Họ chưa xem khó khăn của doanh nghiệp là của mình", ông Tuấn nói. Vì vậy, ông mong muốn "cán bộ, công chức đã dẫn thân vào con đường công chức, hãy làm việc một cách có lương tâm, danh dự và trách nhiệm".
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Công nghiệp & Thương mại Việt Nam (VCCI) thông tin, từ kiến nghị của doanh nghiệp VCCI đã rà soát và "điểm danh" 20 điểm chồng chéo trong thủ tục hành chính, xây dựng. "Xung đột pháp luật này đang bó tay, bó chân doanh nghiệp, địa phương, nhưng lại chậm trễ được giải quyết", ông Lộc nhận xét.
Chủ tịch VCCI đề nghị Chính phủ chủ trì, kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tháo gỡ 20 điểm chồng chéo này để "mở đường cho đầu tư phát triển".
Lắng nghe và cẩn trọng ghi chép ý kiến, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chấm dứt tình trạng hù doạ doanh nghiệp. Ông nói, ngay khi đang tham dự hội nghị này nhưng vẫn nhận được tin nhắn phản ánh cấp chuyên viên ở một số Bộ, ngành nhũng nhiễu, đá qua đá lại, gây phiền hà cho doanh nghiệp.
"Phải loại bỏ ngay những cán bộ nhũng nhiễu, làm mất thời gian và cơ hội đầu tư của doanh nghiệp ", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. Theo đó ông yêu cầu việc giải quyết khó khăn của doanh nghiệp phải nằm trong đầu, sổ tay hành động của chính quyền, tránh bệnh thờ ơ trong phát triển doanh nghiệp.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng liên tục từ đầu nhiệm kỳ, trung bình hơn 126.000 doanh nghiệp mỗi năm. Năm 2019 dự kiến đạt 136.000 doanh nghiệp lập mới, tổng vốn đăng ký khoảng 1,7 triệu tỷ đồng. Hiện cả nước có khoảng 760.000 doanh nghiệp, tiến sát mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Nhìn nhận số doanh nghiệp không ngừng tăng tạo nguồn lực lớn song Thủ tướng cho rằng vẫn còn nhiều trở ngại trên đường phát triển. "Chính phủ thấm thía khi mỗi năm có hàng chục nghìn doanh nghiệp giải thể, phá sản, trong đó nhiều doanh nghiệp tên tuổi bị đào thải", Thủ tướng chia sẻ.
"Chúng ta sẽ tiếp tục hành động, hành động gấp để tháo gỡ nút thắt giúp doanh nghiệp tăng nhanh về số lượng, nhưng phát triển bền vững", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thông tin với các doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết, năm 2019 tăng trưởng kinh tế sẽ cán mốc trên 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao 6,6-6,8%. Ngoài ra, lần đầu tiên Việt Nam cán đích xuất nhập khẩu hai chiều trên 500 tỷ USD, thâm hụt ngân sách và nợ công giảm đáng kể, từ hơn 64% GDP năm 2016 giảm về 56% GDP. Nguồn vốn lớn đã rót vào đầu tư cơ sở hạ tầng.
2019 cũng là năm Việt Nam thu hút được hơn 32 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, giải ngân được trên 17 tỷ USD, cao nhất trong những năm gần đây. Cùng đó tầng lớp trung lưu tăng nhanh, khoảng 15% và dự báo tăng lên 50% vào năm 2020.
Những kết quả này, theo Thủ tướng, nhờ sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. "Không thể có doanh nghiệp tầm cỡ nếu thiếu những cá nhân xuất sắc. Không thể có quốc gia hùng cường nếu thiếu những doanh nghiệp tầm cỡ", ông nói.
Năm 2016, Thủ tướng có cuộc đối thoại lần thứ nhất với doanh nghiệp ngay khi vừa nhậm chức và sau đó, Chính phủ đã lần đầu tiên ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Một năm sau đó ông có cuộc gặp gỡ lần thứ 2 với các doanh nghiệp tại Hà Nội. Và ngay tại hội nghị, Thủ tướng đã ký chỉ thị yêu cầu không được thanh tra, kiểm tra quá một lần một năm...
Nguyễn Hoài