"Dịch Covid-19 mới bùng phát, lan rộng từ đầu 2020 đã cuốn đi thành quả loài người đã tích lũy trong nhiều năm, cướp đi sinh mạng và đe dọa cuộc sống của hàng triệu người", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trong khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 trực tuyến sáng nay.
Đại dịch bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm ngoái và nhanh chóng lan ra toàn cầu. Thế giới hiện ghi nhận gần 9,7 triệu ca nhiễm và gần 490.000 người chết.
Theo Thủ tướng, sự bùng phát của dịch bệnh càng thổi bùng thêm những thách thức vốn tiềm ẩn trong môi trường chính trị - kinh tế - xã hội của thế giới và mỗi khu vực. Các thể chế đa phương và quy định của luật pháp quốc tế chịu nhiều thách thức nghiêm trọng. Cọ xát chiến lược giữa các nước lớn càng bộc lộ rõ nét và bị đẩy lên cao. Mâu thuẫn xuất phát từ bất bình đẳng xã hội, phân biệt đối xử và kỳ thị trở nên trầm trọng hơn do tác động của dịch bệnh, khoét sâu thêm những ngăn cách trong lòng các quốc gia.
"Trong khi cả thế giới đang gồng mình chống dịch, vẫn xuất hiện những hành động thiếu trách nhiệm, vi phạm luật pháp quốc tế, ảnh hưởng đến môi trường an ninh và ổn định ở một số khu vực, trong đó có khu vực của chúng ta", Thủ tướng nói. "Trong bối cảnh đó, các nước cần nêu cao tinh thần đoàn kết, hợp tác trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Vai trò và sứ mệnh của các nước lớn, các tổ chức đa phương và khu vực càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết".
Để đối phó với dịch, ASEAN đã nhanh chóng triển khai các hoạt động như kích hoạt Hệ thống ứng phó y tế khẩn cấp của Hiệp hội và hợp tác với các đối tác. Các nước thành viên ASEAN chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp trong kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh. Lãnh đạo các nước ASEAN bày tỏ cam kết chính trị ở mức cao nhất. So với phần còn lại của thế giới, ASEAN hiện cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch, đạt tỉ lệ cao về số bệnh nhân khỏi bệnh trên tổng số ca lây nhiễm. Tỷ lệ tử vong ở mức thấp và đang giảm nhanh. Nhiều quốc gia ASEAN gần đây không phát hiện thêm ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. GDP bình quân ASEAN được dự báo tăng trưởng ở mức thấp trong 2020, nhưng các nền kinh tế ASEAN vẫn giữ được ổn định.
Thủ tướng Việt Nam trông đợi Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 là dịp các nước khẳng định tình đoàn kết, quyết tâm kiểm soát tốt dịch Covid-19, khắc phục hậu quả của dịch và phát triển kinh tế; đồng thời, nỗ lực hoàn thành các mục tiêu hợp tác, liên kết ASEAN trong năm 2020. Lãnh đạo Việt Nam cũng đề nghị các nước thành viên ASEAN quan tâm thích đáng đến gắn kết các tiểu vùng với kế hoạch phát triển tổng thể của ASEAN, trong đó có tiểu vùng Mekong, về quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước.
"Chúng ta cam kết mạnh mẽ đối với tự do hóa và liên kết kinh tế, phấn đấu sớm hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)", Thủ tướng nói, nhắc đến hiệp định do ASEAN và 6 nước đối tác gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand đàm phán từ 2012. Tuy nhiên, Ấn Độ tuyên bố rút khỏi thoả thuận từ tháng 11/2019.
ASEAN sẽ tiếp tục thúc đẩy và đề cao các quy tắc, chuẩn mực ứng xử, định hình quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực theo Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển UNCLOS 1982 (UNCLOS), theo Thủ tướng.
Do ảnh hưởng của Covid-19, Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 là hội nghị trực tuyến đầu tiên trong lịch sử hơn 50 năm của Hiệp hội. Các phiên diễn ra trong hôm nay cũng dự kiến bàn về tăng quyền năng của phụ nữ trong thời đại số, Đối thoại giữa lãnh đạo các nước ASEAN với Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), với đại diện Thanh niên ASEAN và với Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC)