Sự kiện diễn ra chiều 16/5 (sáng 17/5 giờ Hà Nội), nhân chuyến thăm và làm việc tại Mỹ và Liên Hợp Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Ông đề nghị NYSE hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm để góp phần phát triển thị trường chứng khoán hiệu quả, bền vững ở Việt Nam, xây dựng thành công trung tâm tài chính quy mô khu vực. Ông cũng mong NYSE và các đối tác Việt Nam có quan hệ bền vững, đôi bên cùng có lợi, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ ngày càng thực chất, hiệu quả.
Theo người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam đang quyết liệt xử lý sai phạm của một số ít các nhà đầu tư để thị trường chứng khoán phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững.
Lãnh đạo Chính phủ sau đó chứng kiến lễ trao hai văn kiện hợp tác trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư giữa các đối tác Việt Nam và Mỹ. Trong đó có văn bản hợp tác giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam với NYSE về hỗ trợ nâng hạng thị trường, xây dựng cơ chế để các nhà đầu tư tham gia hai thị trường chứng khoán.
Đối với NYSE, việc rung chuông không chỉ là một nghi thức nhiều màu sắc, mà còn là hoạt động đảm bảo trật tự cho thị trường, để không có giao dịch nào diễn ra trước khi mở cửa (9h30) hoặc sau khi đóng cửa (16h). Trước đây, việc rung chuông thuộc trách nhiệm của người quản lý sàn giao dịch.
Sàn này bắt đầu đón những vị khách đặc biệt tới rung chuông kết thúc phiên giao dịch từ năm 1995. Khách mời thường là nhà sáng lập hoặc lãnh đạo của các công ty được niêm yết, đôi khi là các chính trị gia hoặc người của công chúng.
Tại tọa đàm bàn tròn với CEO của một số tập đoàn, quỹ đầu tư hàng đầu đang niêm yết tại NYSE, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết thời gian qua, Việt Nam đã duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, các yếu tố như tỷ giá, lạm phát, lãi suất trong tầm kiểm soát; đảm bảo các cân đối lớn về thu chi ngân sách.
Gói hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển với quy mô tương đương 4% GDP đang được triển khai.
Đại diện Ngân hàng Duetsche Bank cho biết đã làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp niêm yết. Vị này hỏi Chính phủ Việt Nam có thể hỗ trợ gì cho các doanh nghiệp để niêm yết thành công trên thị trường chứng khoán nước ngoài, trong đó có sàn New York.
Thủ tướng cho biết Chính phủ có trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển lành mạnh, bền vững, tuân thủ luật pháp. Trong đó, môi trường pháp lý là rất quan trọng, cần sự hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp để hoàn thiện. Trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ luôn bám sát tình hình, thích ứng với môi trường bên trong và bên ngoài để doanh nghiệp yên tâm, đồng thời định hướng cho doanh nghiệp.
Bản thân doanh nghiệp cũng phải cố gắng vươn lên, tạo dựng uy tín trong và ngoài nước, chủ động học tập, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Mỹ, trên tinh thần "chân thành, tin cậy, trách nhiệm". Doanh nghiệp cần nỗ lực nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam như Vietcombank, FPT, VinFast đã có mặt tại Mỹ và rất cần sự hỗ trợ, hợp tác của các doanh nghiệp ở đây.
"Tóm lại là Nhà nước tạo cơ hội, môi trường, điều kiện để doanh nghiệp lớn mạnh, nhưng doanh nghiệp phải nỗ lực để tự lớn mạnh, đáp ứng quy luật cung cầu, đồng thời cần sự hỗ trợ, hợp tác của các đối tác nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Mỹ", Thủ tướng nói.
Đại diện Goldman Sachs, tập đoàn quản lý quỹ đầu tư lớn hàng đầu thế giới, cho biết muốn tìm hiểu kỹ hơn về định hướng chính sách với giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng, cũng như khả năng tiếp cận và sử dụng ngoại tệ.
Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam đã và đang tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở pháp lý, cải thiện hơn nữa điều kiện đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, minh bạch hóa các hoạt động ngân hàng, tăng cường quản trị theo thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của một nước đang phát triển như Việt Nam không thể giống như Nhật, Mỹ hay Hàn Quốc. Việt Nam có hạn chế về hạ tầng, cơ chế, chính sách, lại chưa có nhiều kinh nghiệm nên tiếp cận thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần. Điều này có lợi cho cả nhà đầu tư và cho Việt Nam.
"Tôi hay so sánh rằng, một người lẽ ra gánh được 20 kg thì cố gắng nhiều cũng chỉ gánh được tới 25 kg chứ không thể gánh tới 50 kg được. Người còn yếu thì phải vậy thôi, phải đi từng bước thận trọng, mong các nhà đầu tư chia sẻ", Thủ tướng thẳng thắn nói.
Ông cho biết thêm, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, xác định nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định; ngoại lực là quan trọng, thường xuyên và đột phá. Việt Nam luôn mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành mới nổi, như thị trường chứng khoán, chuyển đổi năng lượng, số, y tế, dược phẩm...
Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam đã và đang tiếp tục triển khai nhiều biện pháp tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, mang tính cạnh tranh, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và các cam kết tại các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, tạo niềm tin và hiệu quả, cơ hội chắc chắn trong kinh doanh, không gây phiền hà, lo lắng cho các nhà đầu tư.
CEO của VinFast, doanh nghiệp Việt vừa đầu tư tại Mỹ, cho biết tham vọng của doanh nghiệp này là trở thành nhà đầu tư ôtô điện công nghệ cao hàng đầu để tiếp cận thị trường Mỹ thành công. "Thủ tướng có lời khuyên gì với chúng tôi?", vị CEO đặt câu hỏi.
Lãnh đạo Chính phủ cho rằng, điều rất quan trọng là phải tôn trọng luật pháp và văn hóa, nhất là văn hóa kinh doanh của Mỹ. Doanh nghiệp phải bám sát thị trường, phát huy những kinh nghiệm đã có được từ thị trường trong nước. Đồng thời, tích cực đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đóng góp vào chuyển đổi số của đất nước.
"Việc đầu tư vào xe điện là đúng xu thế nhưng cần mạnh mẽ hơn, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, luôn khiêm tốn học hỏi từ các doanh nghiệp, đồng nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Mỹ", Thủ tướng nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ hôm 11/5, dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, thăm và làm việc tại Mỹ, Liên Hợp Quốc. Ngày mai, Thủ tướng làm việc với một số doanh nghiệp Việt kiều trong lĩnh vực tài chính và công nghệ; dự tọa đàm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, dự hội thảo xúc tiến du lịch...