Chiều 13/9, bên lề Hội nghị WEF ASEAN 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Simon Milner, Phó chủ tịch về Chính sách công tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Facebook.
Ông Simon Milner khẳng định Facebook sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trên các lĩnh vực liên quan trong kỷ nguyên số, chia sẻ với Việt Nam về những vấn đề mà nhiều quốc gia đang gặp phải, nhất là an ninh mạng. Hai bên sẽ cùng thảo luận, định hình những biện pháp khắc phục, xử lý sao cho phù hợp với mỗi quốc gia...
Đại diện Facebook cho rằng an ninh mạng là yếu tố quan trọng để bảo đảm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đây cũng là nội dung góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Hoan nghênh ông Simon Milner sang Việt Nam dự WEF ASEAN 2018, Thủ tướng đề nghị Facebook cần có trách nhiệm với hơn 60 triệu tài khoản tại Việt Nam trong việc bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng.
Thủ tướng ủng hộ quan điểm của Facebook đóng góp vào xây dựng hệ sinh thái số ở Việt Nam và nhấn mạnh Facebook là “người bạn thân thiết” của Việt Nam với tỷ lệ người dùng rất lớn.
Ông đề nghị mạng xã hội này thường xuyên trao đổi với các cơ quan của Việt Nam; cùng nhau chia sẻ, khắc phục những bất cập để đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam; qua đó cũng tạo thêm cơ hội để Facebook tiếp tục phát triển.
Thủ tướng đề nghị Facebook hợp tác chặt chẽ với Bộ Thông tin Truyền thông trong quá trình hoạt động tại Việt Nam; gỡ bỏ các thông tin xấu độc, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và đời sống bình yên của người dân.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Facebook hoạt động và kinh doanh thuận lợi.
Tại buổi tiếp, quyền Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Facebook cũng như bất kỳ doanh nghiệp nào kinh doanh tại Việt Nam đều phải tuân thủ luật pháp Việt Nam như nghĩa vụ đóng thuế, tuân thủ các yêu cầu về bảo đảm an ninh, xây dựng không gian mạng lành mạnh.
Ông Hùng đề nghị Facebook trên cơ sở kinh doanh thành công tại Việt Nam cũng nên dành một tỷ lệ doanh thu để tái đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) và sớm mở văn phòng đại diện tại Việt Nam.