Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình Tết Nguyên đán Nhâm Dần chiều 3/2. Ông nêu rõ, thời điểm mở cửa du lịch là sau khi cơ bản tiêm mũi thứ ba cho những người thuộc nhóm chỉ định và đã có quy định kiểm soát xuất nhập cảnh hợp lý.
Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất từ 31/3, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn để đón khách du lịch quốc tế và đưa khách trong nước đi du lịch nước ngoài qua tất cả cửa khẩu quốc tế.
Khách đến Việt Nam phải tiêm đủ liều vaccine hoặc từng là F0 khỏi bệnh; xét nghiệm PCR âm tính trong 72h; mua bảo hiểm y tế có nội dung chi trả điều trị Covid-19 ở mức tối thiểu 50.000 USD. Trẻ em và người chưa tiêm đủ liều sẽ có quy định riêng. Các doanh nghiệp đủ điều kiện đều được tham gia đón khách tại tất cả cửa khẩu.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm nay, Thủ tướng đánh giá các địa phương đã đạt mục tiêu đề ra trong việc tổ chức cho nhân dân đón Tết an toàn, an sinh xã hội được đáp ứng cao nhất. TP HCM, Hà Nội và các địa phương đông dân như Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng đã chi an sinh xã hội ở mức cao nhất có thể...
Chiến thắng của đội tuyển bóng đá nam, bóng đá nữ Việt Nam vào ngày mùng 1 và 2 Tết "đã góp thêm không khí phấn khởi trong nhân dân".
Các địa phương đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về đưa đón người về quê ăn Tết bình an. Với những người bị kẹt lại tại một số địa điểm trên thế giới, Việt Nam đã có các cuộc tiếp xúc ngoại giao, đưa công dân về ăn Tết bằng các chuyến bay thương mại.
Thủ tướng yêu cầu mở cửa trường học trên phạm vi toàn quốc tại tất cả các cấp từ 7 đến 14/2 theo chỉ đạo của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo. Các đơn vị bảo đảm để các cháu đi học an toàn, khoa học, hiệu quả, hợp lý và giúp phụ huynh bớt lo toan.
Theo báo cáo tại cuộc họp, tổng kinh phí chăm lo đời sống các nhóm chính sách, người lao động dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần là 8.300 tỷ đồng, cho 57,81 triệu lượt người. Các tỉnh, thành phố đã trợ giúp 3.745 tỷ đồng hỗ trợ chăm lo Tết cho người nghèo, diện bảo trợ xã hội và người lao động.