"Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia tái phong tỏa, giãn cách xã hội, nếu chúng ta chủ quan sẽ rất dễ mắc sai lầm. Chúng ta chấp nhận thiệt hại để bảo vệ sức khỏe người dân, kiểm soát tốt dịch bệnh", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại phiên thảo luận ở tổ của Quốc hội ngày 2/11.
Vì nguyên nhân này, Chính phủ quyết định chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế, dù Thủ tướng cho biết "có nhiều ý kiến phản đối".
Theo đánh giá của người đứng đầu Chính phủ, thiệt hại về du lịch năm nay rất lớn. Ông ước tính, nếu không có dịch bệnh, ngành du lịch năm nay dự kiến đón 21 triệu lượt khách, doanh thu khoảng 60 tỷ USD.
Đánh giá về tình hình hiện nay, Thủ tướng nhấn mạnh không được chủ quan, lơ là. Tuy nhiên, những khách đầu tư, nhà ngoại giao, công nhân lành nghề vẫn được tạo điều kiện nhập cảnh, trong trường hợp có kiểm soát, có cách ly.
Năm tới, mục tiêu của Chính phủ vẫn là kiểm soát chặt dịch bệnh, đồng thời thực hiện mục tiêp kép là phục hồi kinh tế. Người đứng đầu Chính phủ nói, nếu có "quyết tâm, khát vọng mạnh mẽ hơn" thì tương lai không xa quy mô kinh tế Việt Nam có thể cạnh tranh được với Philippines và Thái Lan.
"Nếu không có dịch bệnh, 2020 sẽ là năm thành công khi chúng ta có tiềm lực phát triển tốt", ông đánh giá. Tuy nhiên, đại dịch đã khiến thế giới đứng lại, toàn cầu tăng trưởng âm, kinh tế thế giới đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ sau cuộc Đại suy thoái. Việt Nam với mức độ mở cửa cao, không tránh khỏi tác động.
Trước diễn biến thiên tai phức tạp gần đây, Thủ tướng đánh giá mức thiệt hại sẽ rất lớn, đặc biệt là tác động tới khu vực nông nghiệp. Chính phủ dự kiến sẽ xây dựng các chương trình khắc phục hậu quả, hỗ trợ mạnh tay, quyết liệt hơn cho các vùng chịu ảnh hưởng.
Ủy ban Kinh tế Quốc hội dự báo GDP Việt Nam năm nay có thể tăng 2,3%, năm tới có thể tăng 6,5-6,8%, thậm chí có ý kiến cho rằng kinh tế năm 2021 có thể tăng trên 10%. Nhưng thời điểm đưa ra dự báo này là trước khi hai cơn bão lớn đổ bộ.
Do đó, trong phiên thảo luận tổ sáng 2/11, ông Dương Quốc Anh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm có đánh giá toàn diện về tác động của thiên tai, xem xét điều chỉnh các chỉ tiêu vĩ mô cho phù hợp với tình hình mới.
Đánh giá về tình hình chung, ông Quốc Anh cho biết trong 12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm nay, có 4 chỉ tiêu không đạt. Nguyên nhân khách quan là tác động của đại dịch. Dù vậy, nếu nhìn từ bức tranh tổng thể, Việt Nam đạt được nhiều thành công, đặc biệt là việc kiểm soát dịch bệnh, ổn định vĩ mô, giữ nền kinh tế tăng trưởng dương trong bối cảnh nhiều quốc gia khác suy giảm.
Giải thích sự khác nhau trong điều hành của Chính phủ với hai lần Covid-19 bùng phát, Thủ tướng cho biết, do xuất phát từ tình hình thực tế của mỗi giai đoạn và mục tiêu kép "vừa chống dịch, vừa phục hồi kinh tế".
Trong lần đầu, diễn biến của dịch bệnh quá nhanh và mạnh, nếu không thực hiện giãn cách xã hội khó có thể kiểm soát được tình hình. Cũng nhờ quyết định sớm và kịp thời, Việt Nam đã khống chế được làn sóng đầu tiên.
Ở lần bùng phát thứ hai tại Đà Nẵng, khác với lần đầu, Chính phủ quyết định không giãn cách xã hội mà thực hiện khoanh vùng dịch. Với tinh thần làm việc "thần tốc", xác định rõ mục tiêu và có kinh nghiệm từ lần đầu, một lần nữa Việt Nam trở thành điểm sáng về chống dịch. Một phần nguyên nhân không giãn cách xã hội là bài toán phục hồi kinh tế.
"Nếu làm theo phương thức cũ, thực hiện giãn cách xã hội, kinh tế Việt Nam chắc chắn tăng trưởng âm", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét.
Minh Sơn