Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ đánh giá về tác động của dịch nCoV tới nền kinh tế chiều 12/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sẽ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và cần đặt mục tiêu tái cơ cấu, hồi phục kinh tế sau dịch bệnh.
"Nhưng ngoài chống và đẩy lùi dịch bệnh, chúng ta phải chống loại virus nữa là virus trì trệ, không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh mà không hành động", ông nói.
Theo người đứng đầu Chính phủ, nếu chỉ lo chống dịch mà không lo phát triển kinh tế, giữ gìn quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội thì "không hoàn thành tốt nhiệm vụ". "Tinh thần là không được vì việc này mà bỏ mất việc kia", ông nói.
Lãnh đạo Chính phủ nói sẽ tính toán cụ thể những chính sách đưa ra để kích cầu, giảm phí, lệ phí, lãi suất trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành. Tuy nhiên, nếu chỉ với cách làm bình thường, Thủ tướng cho rằng sẽ sụt giảm tăng trưởng, ảnh hưởng đến nhiều chỉ tiêu khác, nên "phải phấn đấu cao hơn, với giải pháp cụ thể, kịp thời và thích ứng tốt hơn nữa".
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, với đợt dịch nCoV lần này, nền kinh tế sẽ bộc lộ rõ hơn những điểm mạnh, yếu, đặc biệt về cơ cấu kinh tế và khả năng chống chịu trước tác động lớn từ bên ngoài. Ông đề xuất Chính phủ gói giải pháp tái cơ cấu kinh tế cả trước mắt và lâu dài.
Theo đó, đề nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch. Chính sách này cần được báo cáo ngay trong tháng 2.
Bên cạnh đó, cần có các giải pháp cụ thể để tiếp tục bảo đảm thông quan hàng hóa qua cửa khẩu; cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp thông qua hỗ trợ giảm mức phí điện, nước cho đối tượng đang phải ngừng sản xuất...
Bộ Tài chính được đề nghị có chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp logistics, bán lẻ, doanh nghiệp dịch vụ, du lịch... Các biện pháp hỗ trợ có thể là gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế; miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu, giảm giá thuê đất, mặt bằng...
Một số dự án hạ tầng BOT cần chuyển đổi hình thức đầu tư để vừa kích cầu đầu tư công thời kỳ "hậu dịch", vừa ổn định vĩ mô và giúp Việt Nam sớm có thêm các công trình hạ tầng thiết yếu, tạo tác động lan tỏa đến tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững.
Về kịch bản ứng phó dài hạn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tập trung trước hết vào tạo điều kiện thuận lợi hơn, hỗ trợ và khuyến khích mạnh mẽ hơn với phát triển kinh tế tư nhân.
Anh Minh