Là người phát biểu cuối cùng tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tổ chức ngày 27/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng lĩnh vực nông nghiệp đã có nhiều thành tích được nhắc đến, nhưng bên cạnh đó còn tồn tại những bất cập. Một trong những vấn đề trọng tâm trong chia sẻ của Thủ tướng là những khó khăn trong việc đẩy mạnh nông nghiệp theo hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa.
![Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại sự kiện ngày 27/11. Ảnh: VGP](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2018/11/27/NQH-7718-4727-1543321209.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UjQNL-Tkm_bmVRwteZW-Ug)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại sự kiện ngày 27/11. Ảnh: VGP
Theo người đứng đầu Chính phủ, Luật Đất đai năm 2013 đã có những tác động tích cực, tuy nhiên chính sách giao đất bình quân khiến đất nông nghiệp trở nên manh mún, quy mô nhỏ, khó có thể cơ giới hóa, hiện đại hóa và thực hiện nền sản xuất lớn.
Quy mô trang trại của hộ gia đình Việt Nam thuộc nhóm nhỏ nhất ở Đông Nam Á và trên thế giới. Canh tác manh mún và phân tán vẫn còn phổ biến, quy mô này chỉ đạt 0,18 ha trên mỗi thửa đất và 2,5 thửa đất trên mỗi hộ gia đình. Trong khi đó, dịch vụ phát triển chưa đủ mạnh để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch trong khu vực nông nghiệp, dẫn tới thu nhập của một bộ phận người dân vẫn còn khó khăn.
"Về cơ bản, tình trạng lấy công làm lãi trong nông nghiệp vẫn còn rất phổ biến", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói và cho rằng những vấn đề này cần được tiếp thu, xem xét để xây dựng những giải pháp xử lý thích hợp hơn.
Ngoài vấn đề tích tụ đất đai, việc áp dụng tiến bộ khoa học và tiếp cận vốn còn khó khăn cũng được người đứng đầu Chính phủ nhắc đến. Nền nông nghiệp Việt Nam nhìn chung vẫn còn yếu trong áp dụng công nghệ, kỹ thuật. Tỷ lệ giá trị chất xám trong giá thành sản phẩm nông nghiệp chưa cao, dẫn đến 90% hàng nông sản Việt Nam là xuất nguyên liệu thô, chưa qua chế biến.
Trong khi đó, việc huy động vốn, tiếp cận với các dịch vụ tín dụng, ngân hàng còn hạn chế, chi phí vốn còn cao. Nông nghiệp chỉ thu hút được 5% vốn đầu tư của xã hội, trong khi số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1%, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Huy động vốn, tiếp cận vốn, các dịch vụ tín dụng vẫn còn hạn chế. Một nửa số hộ gia đình nông thôn vẫn không thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, điều này đã tạo điều kiện cho tín dụng phi chính thức ở nhiều vùng nông thôn.
Từ phân tích trên, Thủ tướng nhấn mạnh, việc giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực, tự cường vươn lên của nông dân.
"Trong thập kỷ tới hay một vài thập kỷ ngắn tới đây, Việt Nam sẽ đứng ở đâu. Chúng ta có thể đứng trong nhóm 15 nước dẫn đầu về nông nghiệp được không?", Thủ tướng đặt câu hỏi và cho rằng nền nông nghiệp, trước tiên, phải bước chuyển từ tư duy nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp và hội nhập sâu rộng.
Trong nhóm những giải pháp cần thực hiện, Thủ tướng kiến nghị cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân khi đầu tư làm ăn trong nông nghiệp.
Để tránh tình trạng được mùa mất giá, người dân cũng cần thay đổi tư duy, cách làm. Sản xuất nông nghiệp phải xuất phát từ nhu cầu thực tế, gắn chặt với yêu cầu thị trường, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc. "Phải đặt vấn đề thị trường trước khi sản xuất để hạn chế tối đa tình trạng mất cân đối trong cung cầu", Thủ tướng nhận xét.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu hệ thống ngân hàng tiếp tục cung ứng lượng vốn tín dụng với cơ chế cần thiết vào lĩnh vực nông nghiệp. Các cơ quan liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới toàn diện, đi vào chiều sâu, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, những cơ quan quản lý cũng cần có chính sách phù hợp với các vùng miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực đặc biệt khó khăn.
Minh Sơn