Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, ngày 3/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: "Sản xuất kinh doanh gặp khó khăn vì dịch bệnh, Chính phủ thấu hiểu điều này để có biện pháp chỉ đạo sát hơn".
Ông đề nghị các thành viên Chính phủ góp ý chỉ thị của Thủ tướng về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với Covid-19.
Ông cũng cho biết, Covid-19 tác động trước hết đến hàng không, du lịch, tiếp đến là thương mại, đầu tư, đặc biệt là gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất.
Từ khi dịch bùng quát, tốc độ tăng của nhiều ngành giảm so với cùng kỳ, trong đó có ngành chế biến chế tạo, tổng mức bán lẻ hàng hóa, nhập khẩu nguyên vật liệu, nhiều doanh nghiệp đối mặt nguy cơ thiếu nguyên liệu, sự đứt gãy chuỗi cung ứng...
Hai tháng qua, giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, khoảng 7,38%. Còn 6 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương chưa phân bổ hết vốn kế hoạch. Theo Thủ tướng, điều này cũng cần thảo luận để khắc phục.
Ông Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, tinh thần "chống dịch như chống giặc" của Chính phủ đã giúp nCoV không bị lan tràn ở Việt Nam, Việt Nam là nước ít ảnh hưởng nhất dù có đường biên giới dài và giao thương lớn với Trung Quốc.
"Việt Nam đã bình tĩnh, có thể rất tỉnh táo trong nhìn nhận vấn đề theo nhãn quan của mình và chuẩn bị sẵn sàng mọi khả năng từ rất sớm", ông nói và ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của các cấp, ngành, lực lượng vũ trang, nhất là ngành y tế trong phòng, chống Covid-19.
Đề cập tới những khách sạn gần như đóng cửa, nhiều khu du lịch vắng người nhưng ông nhấn mạnh, không thể vì doanh thu, mở cửa đón khách du lịch tràn lan để ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Trước tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, ông yêu cầu tuyệt đối không chủ quan, do dự, tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ phòng chống dịch đã đề ra.
Anh Minh