Chiều 24/6, đến thăm Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu thực hiện nhanh nhất chiến lược vaccine, bao gồm tiếp cận đa dạng nguồn; thúc đẩy đàm phán mua vaccine nhanh, nhiều nhất; tiếp cận chuyển giao công nghệ; sản xuất vaccine trong nước.
Thủ tướng đánh giá thực hiện thành công chiến lược vaccine có vai trò rất quan trọng, là công cụ số 1 để ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch. Với độ mở của nền kinh tế, Việt Nam không thể mãi đóng cửa. Nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài là không thể tránh khỏi, biến chủng của virus nguy hiểm hơn, lây nhanh hơn.
Tuy nhiên, nguồn cung vaccine đang thiếu hụt từ nay đến tháng 9/2021. Việc chuyển giao công nghệ vaccine không thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước đòi hỏi nền tảng nghiên cứu khoa học lâu dài và đầu tư về nguồn lực, con người một cách căn cơ, chiến lược. "Phải tập trung cho việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19 càng sớm càng tốt, chậm nhất là tháng 6/2022 phải có", Thủ tướng nói.
Việt Nam cũng có thể sản xuất vaccine sớm hơn, bởi có nhiều tiền đề quan trọng. Trước hết, Việt Nam có truyền thống nghiên cứu, sản xuất các loại vaccine, hiện đã chủ động được 11/12 loại trong chương trình tiêm chủng mở rộng; chấm dứt nhiều dịch bệnh nguy hiểm như bại liệt, uốn ván sơ sinh...
Thứ hai, các cơ sở trong nước đang nghiên cứu, thử nghiệm một số loại vaccine. Thứ ba, người Việt có truyền thống "càng gặp khó khăn, thách thức, thì càng quyết tâm vươn lên, phát triển".
Chính phủ giao Bộ Y tế và các đơn vị liên quan xây dựng đề án về chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19, báo cáo Chính phủ theo thủ tục rút gọn.
Thủ tướng cũng đồng ý dành một phần ngân sách nhà nước để làm "vốn mồi" cho hợp tác công tư, huy động mọi nguồn lực hợp pháp để chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine. Các cơ quan xem xét ưu đãi về cơ cở vật chất, đất đai cho các đơn vị tham gia việc này.
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết hiện một số doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy, tìm kiếm công nghệ sản xuất vaccine trong nước và quốc tế. Mục tiêu là cuối năm 2021, chậm nhất đầu năm 2022 sẽ có một nhà máy sản xuất vaccine quy mô lớn hoạt động.
Bộ Y tế đang thúc đẩy Công ty Vabiotech tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V của Nga theo hai giai đoạn. Giai đoạn đầu, dự kiến nhập bán thành phẩm, tận dụng hạ tầng của Vabiotech để đóng ống, đóng gói từ tháng 6; dự kiến nhập chính thức đóng ống, đóng gói từ tháng 7.
Giai đoạn hai sẽ lên kế hoạch xây dựng nhà máy mới để mở rộng công suất đóng gói từ 100 đến 150 triệu liều mỗi năm. Đồng thời, Việt Nam tiếp tục đàm phán với đối tác để chuyển giao công nghệ và xây dựng nhà máy gia công toàn phần vaccine Sputnik V.
Bộ Y tế cũng tạo điều kiện tối đa cho thử nghiệm vaccine trong nước, nếu đạt kết quả tốt, trong tình trạng khan hiếm vaccine, Bộ sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền thông qua việc cấp phép sử dụng trong tình trạng khẩn cấp.