Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF 2017) lần thứ 2 với chủ đề “Chương trình hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5 diễn ra sáng 31/7 với sự tham dự và chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tại sự kiện, ban tổ chức diễn đàn đã công bố khảo sát cho thấy Chỉ số niềm tin doanh nhân được cải thiện đáng kể so với năm 2016. Cụ thể, 67% doanh nghiệp cho biết doanh thu năm 2017 sẽ tăng lên so với 2016, trong khi tỷ lệ này trong khảo sát của năm ngoái là 60%. Liên quan đến con số lợi nhuận, 61% doanh nghiệp được khảo sát cũng cho biết sẽ tăng so với 2016, trong khi năm ngoái chỉ có 52%.
Thủ tướng cho rằng, những kết quả khảo sát niềm tin của doanh nhân đã cho thấy tín hiệu khả quan khi niềm tin của nhà đầu tư đang dần được cải thiện rõ nét.
Trước 1.000 doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ vẫn luôn nhất quán với mục tiêu đã đặt ra là xây dựng Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp, bảo vệ đến cùng mọi quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, phù hợp với các nguyên tắc của WTO, các hiệp định song phương...
Nhắc lại câu nói “muốn đi nhanh hãy đi một mình, nếu muốn đi xa hãy cùng đi”, Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế đòi hỏi nỗ lực hành động rất lớn của các tác nhân liên quan. Trong đó, Chính phủ cam kết sẽ liên tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng bình đẳng, minh bạch, an toàn và thân thiện, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thuận lợi.
Với các địa phương, người đứng đầu Chính phủ mong muốn cần có sự liên kết, chia sẻ cơ hội và giới thiệu cho nhau những nhà đầu tư mà tỉnh bạn có lợi thế, "tránh cạnh tranh bằng mọi giá, thu hút đầu tư theo kiểu giẫm đạp lên nhau", không phát huy được lợi thế so sánh đặc thù của địa phương mình. Bên cạnh đó, các địa phương cần tạo dựng sẵn các nguồn lực như đất đai, cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách đặc thù… để nhà đầu tư không phải chờ đợi.
"Các địa phương cần thu hồi những dự án, đất đai, tài nguyên và cả cơ chế chính sách đối với những nhà đầu tư yếu kém để trao cho những nhà đầu tư mới có năng lực, cam kết dài hạn", Thủ tướng nói, đồng thời lưu ý ngành ngân hàng cần tư duy và xem xét thay đổi theo hướng này và cụ thể hóa bằng những cơ chế cho vay linh hoạt.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, Chính phủ kiến tạo và hành động thì doanh nghiệp cũng phải đổi mới, phấn đấu đạt mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân lên từ 50 đến 60% GDP. Do đó, đối với doanh nghiệp tư nhân, ông Phúc cho rằng cần xác định các mũi nhọn, tránh đầu tư theo phong trào, dàn hàng ngang...
“Chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam nằm rất nhiều ở khu vực kinh tế tư nhân. Những gì mà tư nhân có thể làm tốt thì Nhà nước tạo điều kiện cho tư nhân làm”, Thủ tướng nhấn mạnh và bày tỏ mong muốn, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hãy ra khơi mạnh mẽ hơn.
Tại diễn đàn, 3 chuyên đề ngành được chọn đối thoại gồm Kinh tế số, Du lịch và Nông nghiệp, được chính phủ xác định là mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2030.
Ở chuyên đề nông nghiệp, đa số ý kiến doanh nghiệp cho rằng Việt Nam được thế giới thừa nhận là quốc gia nông nghiệp. Trong nửa đầu năm, ngành xuất siêu duy nhất của Việt Nam cũng là nông nghiệp. Tuy nhiên, để phát triển được thì thời gian tới, Chính phủ cần xác định lấy doanh nghiệp làm chủ thể. Cùng với đó, trong chính sách thương mại nông nghiệp thì phải lấy thị trường làm thước đo, đồng thời sửa đổi Luật đất đai theo hướng bỏ hạn điền trong sản xuất nông nghiệp.
“Cách làm thị trường của Việt Nam hiện nay không hiệu quả và mang tính hình thức, không xác định được thị trường trọng tâm trọng điểm, xúc tiến thị trường hình thức, phân vai chồng chéo nhau, thiếu câu chuyện để quảng bá, không có cây trồng chủ lực… ", đại diện doanh nghiệp cho hay, đồng thời đề xuất nâng cao năng lực chinh phục thị trường cho nông sản và các đề xuất nên thực hiện ngay trong năm 2017 chứ không để lâu hơn nữa.
Ở phần chuyên đề về du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Công ty Viettravel cho rằng, theo “Báo cáo năng lực cạnh tranh Du lịch và Lữ hành 2017 cho thấy Việt Nam đã tăng 8 bậc trong năm 2017, xếp thứ 67 trên toàn cầu. Động lực chính thúc đẩy du lịch là nguồn tài nguyên thiên nhiên đứng thứ 34, tài nguyên văn hóa xếp thứ 34 và khả năng cạnh tranh về giá đứng thứ 35. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu xếp hạng rất thấp như tính bền vững của môi trường, tính nghiêm ngặt của các quy định về môi trường, mức phát thải cao....
Ông Kỳ đề xuất Chính phủ cần có những chính sách phát triển du lịch cụ thể hơn như nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo Quốc gia về du lịch, có bộ máy nhân sự thường trực, xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch. Đặc biệt, theo ông cần có chính sách để xây dựng các văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài do Bộ Ngoại giao quản lý bên cạnh việc có những chính sách thiết thực hơn về bảo vệ môi trường tự nhiên, tạo ra môi trường xã hội tốt.
Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh, ông Trần Trọng Kiên, cũng cho rằng, hiện ngân sách quảng bá của Việt Nam thấp nhất trong số các nước ASEAN; không có tổ xúc tiến tầm quốc gia, một số thị trường không có nhóm xúc tiến... Do đó, ông Kiên đề xuất thành lập quỹ quảng bá, trong đó đẩy mạnh quảng bá số; kết hợp bộ ngành để quảng bá hình ảnh tốt hơn đến chính thị trường đã chọn.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Văn Tuấn đồng tình với các đề xuất của doanh nghiệp và cho biết, việc thành lập Quỹ quảng bá du lịch đã được thông qua và có hiệu lực năm nay. Theo đó, dự tính mỗi năm sẽ có khoảng 400-500 tỷ đồng để đẩy mạnh quảng bá ngành du lịch.
Ở chuyên đề Kinh tế số, trước một số ý kiến đề xuất của doanh nghiệp về việc giảm tỷ lệ đóng góp vào quỹ viễn thông công ích, Thứ trưởng Thông tin & Truyền thông, ông Nguyễn Thành Hưng cho biết đang đề nghị Thủ tướng giảm xuống còn 0,7% doanh thu thay vì mức 1,5% doanh thu như trước đây.
Diễn đàn cũng đưa ra các kiến nghị trong thực thi chính sách để bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0, như nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đẩy mạnh giao dịch điện tử, thúc đẩy thành phố thông minh, đến năm 2020 có 100.000 kỹ sư công nghệ thông tin...