Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) vừa tổ chức hội thảo chuyên đề kinh tế số với chủ đề “Thúc đẩy thực thi chính sách để tạo đà nắm bắt Cách mạng công nghệ 4.0” nhằm chuẩn bị nội dung cho cuộc đối thoại với Thủ tướng diễn ra vào ngày 31/7 tới.
Tại hội thảo, ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký VPSF cho biết, số liệu những năm gần đây cho thấy, với 1,7% dân số Việt Nam làm việc trong lĩnh vực kinh tế số đã tạo ra 5% thu nhập quốc dân.
“Mức thu nhập bình quân, mức giá trị gia tăng trên mỗi lao động kinh tế số lớn gấp 3 lần trung bình của cả nước", ông Giám khẳng định và cho rằng hơn lúc nào hết Việt Nam cần phải quan tâm đến lĩnh vực kinh tế số nhằm tạo ra giá trị gia tăng và những sức mạnh đột phá về năng lực phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Trung Chính, Trưởng nhóm công tác Kinh tế số của VPFS, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CMC cũng cho rằng riêng nước Anh nền kinh tế số năm 2016 đã chiếm 10% GDP. Tại khu vực Đông Nam Á, nền kinh tế số trị giá 150 tỷ USD, đóng góp 6% GDP năm 2016. Còn tại Việt Nam, mảng thương mại điện tử năm 2016 đạt 900 triệu USD và tăng 50% so với 2015.
Ông cũng cho biết, quy mô quảng cáo trực tuyến của Việt Nam tăng rất nhanh, năm 2016 đạt 390 triệu USD. Ước tính đến năm 2020 quy mô quảng cáo trực tuyến tăng gấp 3 lần.
Theo ông Chính, kinh tế số hiện nay len lỏi vào khắp các lĩnh vực đời sống xã hội, từ giao thông, giáo dục đến sức khỏe cho đến xây dựng thành phố thông minh (smart city).
"Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều quốc gia Đông Nam Á khi họ có kế hoạch xây dựng quốc gia, thành phố thông minh và hướng tới sự phát triển kinh tế số", ông Trung nói.
Dù phải cạnh tranh gay gắt nhưng ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT cho rằng, một số quy định đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn khá nhiều bất cập. Ông lấy ví dụ, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng hiện phải nộp 1,5% doanh thu cho quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Bên cạnh khoản phí này, các doanh nghiệp viễn thông đang phải một khoản phí nữa là đóng phí thương quyền (0,5% doanh thu) nộp vào ngân sách nhà nước.
“Cùng một lúc nộp 2 loại phí là quá sức nộp nghĩa vụ của doanh nghiệp”, ông Ngọc nói và cho biết thêm, hiện việc kinh doanh của nhiều doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng internet đang rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp không có lãi, hoặc là lãi thấp. Thời gian qua, hạ tầng băng rộng viễn thông đã thay đổi sang cáp quang. Hạ tầng không dây thì chuyển sang 4G. Mỗi khi đổi như vậy, doanh nghiệp phải đầu tư một số tiền rất lớn và phải khấu hao trong nhiều năm. Thậm chí doanh nghiệp còn phải đi vay ngân hàng để có đủ vốn đầu tư. Đơn cử như FPT Telecom, mảng kinh doanh hạ tầng internet trong 2 năm gần đây đã không còn tăng trưởng do phải đầu tư mạnh vào hạ tầng cáp quang.
“Con số 1,5% doanh thu mà doanh nghiệp viễn thông phải nộp cho quỹ dịch vụ viễn thông công ích có thể tương đương một phần ba, thậm chí một nửa lợi nhuận làm ra của doanh nghiệp. Hoặc thậm chí khiến doanh nghiệp không còn lợi nhuận nữa. Không có lãi nên doanh nghiệp không có tiền để nộp, hoặc nếu có nộp thì lại phải lấy tiền từ chủ sở hữu. Điều này đi ngược lại với tinh thần của Luật doanh nghiệp là vốn chủ sở hữu không thể nộp vào bất cứ quỹ nào, kể cả thuế do nhà nước quản lý”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điển này, ông Chính cũng cho rằng phí công ích có bản chất là chia sẻ lợi ích với cộng đồng, chỉ nên khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đóng góp, không nên quy định thành một loại phí bắt buộc.
Với những điểm bất hợp lý như trên, nhiều thành viên thuộc Diễn đàn Kinh tế tư nhân đều đồng loạt cho rằng cần bỏ quy định nộp phí viễn thông công ích. Trên thực tế, FPT đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị lên các cơ quan chức năng đề xuất bỏ quyết định này nhưng vẫn chưa được chấp thuận.
Dưới góc nhìn khác, một số chuyên gia cho rằng, hiện Chính phủ đang có nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào cuộc cách mạng 4.0 để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số. Internet là hạ tầng kết nối xương sống cho nền kinh tế số, giúp Việt Nam hòa nhập nhanh với kinh tế thế giới, rút ngắn khoảng cách với các quốc gia khác. Nhìn nhận về vấn đề này, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng nếu những dịch vụ nào của viễn thông có lợi nhuận chưa cao hoặc các dịch vụ đang cần khuyến khích phát triển thì cũng nên hạn chế việc phải trích phí.
Kỳ Duyên