Sáng 27/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với lãnh đạo TP HCM về đề án xây dựng Nghị quyết mới thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố thay thế Nghị quyết 54. Nội dung này đã được Bộ Chính trị cho phép cuối tháng 12/2022, trong Nghị quyết 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan xây dựng dự thảo tuân thủ Hiến pháp, cụ thể hóa quan điểm, định hướng tại các nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội. Các cơ chế cần đột phá, tác động lớn, phù hợp với thực tiễn phát triển địa phương và khả năng cân đối nguồn lực Nhà nước; xác định rõ thẩm quyền từng cấp, từng ngành, đảm bảo khả thi và tạo điều kiện để thành phố phát triển bền vững.
Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ các nút thắt về thể chế, cơ chế, chính sách, nguồn lực, thẩm quyền, tổ chức thực hiện; tạo đột phá về hợp tác công tư để huy động nguồn lực xã hội cho phát triển hạ tầng và các lĩnh vực khác.
"Các chính sách phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, giáo dục đào tạo, thu hút nhân lực", ông Chính nói.
Thủ tướng cho rằng với vấn đề mới, khó, vướng mắc hoặc nội dung nhạy cảm, phức tạp, cần nghiên cứu kỹ để tìm được cách xử lý trên tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. "Phải thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát kịp thời, hiệu quả chứ không phải thấy khó khăn, phức tạp, nhạy cảm thì không làm hoặc dừng lại", ông nói.
Lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM không chỉ tháo gỡ khó khăn, giải quyết thách thức mà còn tạo động lực phát triển mới cho thành phố. Các cơ chế, chính sách không chỉ riêng cho TP HCM mà tạo điều kiện để thành phố phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế cả nước.
Dự thảo Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP HCM thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Nội dung khác với quy định của luật hiện hành hoặc chưa có quy định cụ thể trong các lĩnh vực: Quản lý đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP HCM và TP Thủ Đức.
Lãnh đạo Chính phủ giao Phó thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo, các cơ quan hoàn thiện dự thảo nghị quyết; các bộ trưởng trực tiếp giải quyết vấn đề, đảm bảo tiến độ, chất lượng, báo cáo Chính phủ xem xét trình Quốc hội theo trình tự rút gọn tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).
Tháng 11/2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54, trao một số quyền cho thành phố với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực quản lý gồm: đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, có hiệu lực từ 1/2018 đến hết 2022.
Báo cáo Quốc hội tháng 10/2022, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, Nghị quyết 54 đã tạo điều kiện tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tháo gỡ những vấn đề khó khăn cho TP HCM phát triển. Tuy nhiên, cơ chế đặc thù triển khai chậm so với kế hoạch. Trong năm đầu tiên, thành phố phải xây dựng kế hoạch, công tác chuẩn bị triển khai. Sau đó, TP HCM lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trong hai năm (2020-2021) nên không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của Nghị quyết.