Đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính đối với lãnh đạo Bình Dương và Bình Phước trong buổi thị sát giải phóng mặt bằng dự án cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, sáng 26/9.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết đây là tuyến huyết mạch, kết nối Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải và hàng loạt cao tốc khác. Bình Dương và Bình Phước cần phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhau đẩy nhanh tiến độ dự án. Trong đó đoạn qua Bình Phước chỉ có 7 km theo hình thức đầu tư công cần khẩn trương triển khai, hoàn thành sớm.
Ngoài ra trong quá trình triển khai, nhà thầu chính tạo điều kiện cho các doanh nghiệp địa phương làm nhà thầu phụ để thi công nhanh dự án, tạo công ăn việc làm ở địa phương. Các nút giao trên tuyến cao tốc phải phù hợp để khai thác phát triển các khu công nghiệp, dịch vụ, đô thị thế hệ mới. Các bên liên quan cần nghiên cứu liên kết Tây Ninh để địa phương thuận lợi kết nối cảng biển, sân bay.
Cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dài 69 km, trong đó đoạn qua TP HCM dài hai km, đoạn qua Bình Dương khoảng 52 km và Bình Phước 7 km. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 17.400 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2024-2027, hoàn vốn trong 32 năm 7 tháng. Giai đoạn đầu, tuyến có 4 làn xe và nâng lên 6 làn ở giai đoạn đầu tư tiếp theo; vận tốc tối đa 100 km/h.
Khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, dự án sẽ kết nối Vành đai 4, 3, 2, nối tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đăk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), liên kết các sân bay, cảng biển ở khu vực.
Mới đây HĐND tỉnh Bình Dương đã thông qua chủ trương thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP, loại hợp đồng BOT), vốn từ địa phương. Tỉnh dự kiến khởi công dự án vào tháng 11.
Phước Tuấn