"Họ trông đợi một cách thiển cận rằng có thể bán nhiều sản phẩm của Liên minh châu Âu (EU) ở Trung Quốc hơn. Cái giá phải trả về mặt địa chính trị là rất lớn, khi chúng ta phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, thay vì ít đi", Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói trong chuyến thăm Washington hôm 13/4.
Ông Morawiecki không nêu đích danh tên nước nào nhưng ông đưa ra bình luận sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dẫn đầu một phái đoàn gồm nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Pháp đến Trung Quốc trong chuyến thăm cấp nhà nước vào tuần trước. Kim ngạch thương mại giữa Pháp và Trung Quốc năm 2022 đạt hơn 81 tỷ USD. Pháp là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc trong EU.
Thủ tướng Ba Lan còn ngầm chỉ trích phát ngôn của ông Macron về vấn đề Đài Loan. Ông Macron đã nói rằng châu Âu không nên "đi theo" Mỹ hay Trung Quốc trong vấn đề này nhằm tránh bị vướng vào "khủng hoảng không phải của mình". Tổng thống Pháp hy vọng lục địa có thể xây dựng "khả năng tự chủ chiến lược", thay vì trở thành "chư hầu" phục vụ các chương trình nghị sự của một cường quốc lớn hơn. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã ca ngợi quan điểm này là "hợp lý" và "sáng suốt".
"Bạn không thể bảo vệ Ukraine bằng cách nói rằng Đài Loan không phải vấn đề của mình", ông Morawiecki nói. "Khái niệm 'tự chủ' của châu Âu thoạt nghe có vẻ hay. Nhưng ý họ là chuyển trọng tâm của châu Âu về phía Trung Quốc và cắt quan hệ với Mỹ. Tôi không hiểu lắm khái niệm 'tự chủ chiến lược' nếu ý nghĩa thật của nó là tự bắn vào chân mình".
"Các quốc gia Tây Âu đã quen với mô hình dựa trên năng lượng giá rẻ từ Nga, thương mại lợi nhuận cao với Trung Quốc, lao động giá rẻ từ Đông Âu và an ninh miễn phí từ Mỹ", Thủ tướng Ba Lan nói thêm.
Chuyến thăm Trung Quốc của ông Macron đã khiến châu Âu dậy sóng. Giới chuyên gia cho rằng những bình luận của ông Macron thúc đẩy chia rẽ trong lục địa về cách tiếp cận với Trung Quốc. Tại Mỹ, một số nghị sĩ Cộng hòa còn kêu gọi đánh giá lại quan hệ Mỹ - Pháp, cho rằng ông Macron tiêu chuẩn kép khi Pháp ủng hộ các nỗ lực của Mỹ trong bảo vệ Ukraine, nhưng lại làm ngơ trong vấn đề Đài Loan.
Ba Lan là quốc gia đóng vai trò hàng đầu trong hỗ trợ nước láng giềng Ukraine chống lại chiến dịch của Nga, trong đó có việc gửi tiêm kích MiG-29.
Ngọc Ánh (Theo AFP)