Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh về Kinh doanh và đầu tư ASEAN (ASEAN BIS) 2024, chiều 8/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận tình hình thế giới vừa qua phức tạp, nhưng khối vẫn tự lực, tự cường đứng vững và là tâm điểm của tăng trưởng. Thành tựu này có đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân khu vực.
"Nếu không có đội ngũ doanh nhân giỏi thì nền kinh tế sẽ đình trệ, đất nước không thể thịnh vượng", Thủ tướng phát biểu.
Nhận định tình hình thế giới còn nhiều khó khăn, ông kêu gọi các doanh nhân ASEAN cần tiên phong thúc đẩy tự cường, xử lý các vấn đề mới nổi. "Một ASEAN tự cường không thể thiếu đội ngũ doanh nhân tự cường", Thủ tướng nói và mong muốn các doanh nghiệp trong khu vực cùng chính phủ giải quyết khó khăn như già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu.
Muốn vậy, đội ngũ doanh nhân khu vực cần tiên phong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, để cùng các chính phủ thực hiện cam kết Netzero vào 2050. Đặc biệt, chuyển đổi số hiện đã đến từng lĩnh vực, gia đình, người dân. Vì vậy, các doanh nghiệp phải tiên phong tham gia phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, Internet vạn vật...
Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam cho rằng, cần có sự tiên phong kết nối giữa các nền kinh tế ASEAN, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Những kết nối mềm gồm xây dựng thể chế, chia sẻ kinh nghiệm, chính sách ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng. Kết nối cứng là hạ tầng giao thông, hạ tầng số. "Chúng ta không thể chuyển đổi số mà không có sự kết nối. Tôi kêu gọi các bạn tiên phong kết nối, lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể", ông Chính nói.
Ông kêu gọi từng nước tiên phong xây dựng hạ tầng chiến lược và kết nối giữa các quốc gia, trên tinh thần "cơ chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh".
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ASEAN phải tiên phong đổi mới sáng tạo, lập nghiệp. Trong đó, đổi mới sáng tạo là trụ cột giúp các quốc gia làm mới các động lực tăng trưởng cũ (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) và thúc đẩy động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế tri thức...
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng doanh nghiệp, doanh nhân ASEAN cần tiên phong hội nhập nội khối và thế giới, nhất là trong bối cảnh không quốc gia nào có thể giải quyết các vấn đề toàn cầu, toàn dân để "không ai bị bỏ lại phía sau".
Dẫn chứng kinh nghiệm từ Việt Nam, Thủ tướng cho biết, trong quá trình hội nhập dù khó khăn nhưng Việt Nam tạo dựng được môi trường kinh doanh lành mạnh, dành ưu tiên cải thiện và nâng cao hệ thống hạ tầng chiến lược. Các ngành công nghệ cao, như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thông tin, sản xuất chip bán dẫn và chuyển đổi số toàn diện đang được thúc đẩy trong quá trình hội nhập.
Hiện Việt Nam thực hiện ba đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược và đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Năm 2023, quy mô kinh tế đạt 430 tỷ USD, đứng thứ 34 trong số các nền kinh tế lớn và nhóm 20 quốc gia có thương mại lớn nhất toàn cầu. Bình quân thu nhập đầu người đạt 4.300 USD. Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với hơn 60 nước, vùng lãnh thổ. Vì vậy, Thủ tướng kêu gọi doanh nhân, doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có khu vực ASEAN tiếp tục đầu tư tại Việt Nam với tinh thần "lắng nghe, chia sẻ và cùng làm, cùng thắng".
Trước đó, Thủ tướng thăm, làm việc tại Công ty Star Telecom (Unitel) - liên doanh của Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel) tại Lào. Ông yêu cầu công ty tiên phong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tại Lào.
"Doanh nghiệp cần luôn đổi mới, sáng tạo trong kinh doanh, ứng dụng công nghệ, làm tốt công tác an sinh xã hội với tinh thần tương thân, tương ái", Thủ tướng nói.
Công ty Star Telecom có người Việt Nam và Lào cùng làm việc, Thủ tướng lưu ý người lao động phải coi nhau như "anh em một nhà, đồng chí trên cùng chiến hào trong mặt trận kinh tế". Sau 15 năm kinh doanh, Unitel đã là nhà mạng viễn thông lớn nhất Lào, với thị phần chiếm tới 57% trong thị trường có 5 nhà mạng cạnh tranh. Hằng năm, Unitel nộp ngân sách hơn 40 triệu USD, đứng thứ hai tại Lào và thứ nhất trong khối viễn thông.
ASEAN BIS là diễn đàn liên quan đến doanh nghiệp thường niên lớn nhất của khu vực Đông Nam Á, được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN. Diễn đàn năm nay tổ chức tại Vientiane, Lào từ ngày 8 đến 11/10, với sự tham dự của 800 doanh nghiệp. Các chủ đề doanh nghiệp khu vực sẽ bàn thảo tại hội nghị lần này, gồm chuyển đổi số, phát triển bền vững, an ninh lương thực, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư.