Thủ tướng Pashinyan ngày 14/3 cho hay khả năng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) "phải trở thành một chủ đề được thảo luận rộng rãi trong xã hội Armenia".
Bình luận của ông được đưa ra sau khi Nghị viện châu Âu thông qua nghị quyết "về mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa EU và Armenia", nhấn mạnh việc Yerevan đăng ký trở thành thành viên EU cuối cùng "có thể tạo tiền đề cho một giai đoạn chuyển đổi" trong quan hệ giữa khối với Armenia.
"Đây là một cơ hội khác để thảo luận về tầm nhìn của chúng ta về tương lai Armenia", Thủ tướng Pashinyan phát biểu tại cuộc họp chính phủ ở thủ đô Yerevan, thêm rằng nội các của ông "có ý chí chính trị tiếp tục nỗ lực hướng tới tăng cường tối đa mối quan hệ giữa Armenia với EU".
Xung đột Nga - Ukraine đã tiếp thêm sinh lực cho nỗ lực mở rộng của EU, với việc khối đang xét duyệt tư cách thành viên cho Ukraine, Moldova và Georgia sau nhiều năm trì hoãn.
Ý tưởng gia nhập EU được thảo luận tích cực trong nhóm chính trị của Thủ tướng Pashinyan vài tháng qua. Ngoại trưởng Ararat Mirzoyan và Chủ tịch Quốc hội Alen Simonyan đã công khai phát biểu về nguyện vọng vào châu Âu của Armenia.
Quan hệ song phương giữa Armenia và Nga xấu đi thời gian gần đây. Thủ tướng Pashinyan tháng trước nói Nga khiến Armenia thất vọng sau khi không thể ngăn Azerbaijan phát động chiến dịch chớp nhoáng hồi tháng 9/2023 để giành quyền kiểm soát vùng Nagorno - Karabakh, khiến người gốc Armenia sống ở đó phải sơ tán. Ông cũng tuyên bố đình chỉ tham gia hiệp ước an ninh tập thể với Nga.
Nga phản bác rằng thất bại của Thủ tướng Pashinyan trong việc quản lý các cuộc cạnh tranh phức tạp ở Nam Kavkaz là nguyên nhân khiến lực lượng ly khai thân Armenia ở Nagorno - Karabakh thất thế, đồng thời cảnh báo phương Tây đang cố gắng chia rẽ Yerevan và Moskva.
Armenia trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Pashinyan, bắt đầu từ năm 2018, đã tìm cách thoát lệ thuộc an ninh vào Nga và mở rộng quan hệ với phương Tây. Những động thái này khiến Moskva không hài lòng và nhiều lần chỉ trích chính quyền Pashinyan có biểu hiện chống Nga.
Vũ Hoàng (Theo AFP)