Anh đang kiểm phiếu cuộc trưng cầu dân ý hôm qua về việc Anh có nên rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay không. Phe chọn "rời" khỏi EU đang dẫn trước phe "ở lại" với số phiếu tương ứng là 13 triệu và 12,2 triệu, theo BBC. Hiện chỉ còn 72 trong số 362 khu vực tham gia trưng cầu chưa công bố kết quả.
Nếu người dân chọn Brexit, nền chính trị Anh có thể rơi vào hỗn loạn, Wall Street Journal đưa tin. Thủ tướng Anh David Cameron có nguy cơ đối mặt với sức ép phải từ chức, buộc Anh phải tổ chức tổng tuyển cử.
Trong trường hợp đó, ông Cameron có thể sẽ thông báo với tư cách là lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền nhưng vẫn tiếp tục đảm nhiệm vị trí thủ tướng cho đến khi có người kế nhiệm.
Trường hợp người dân chọn "ở lại", ông Cameron cũng sẽ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn giữa tái hòa giải với phe chống EU trong đảng cầm quyền hay trừng phạt họ.
Chưa rõ sự yên bình trong nội bộ đảng kéo dài bao lâu. Một sự cải tổ nội cách "có thể giúp chặt đứt đầu con rắn euroskeptic (những người phản đối EU) nhưng nó lại sớm mọc ra cái đầu khác", Tim Bale, giáo sư chính trị học tại Đại học Queen Mary, London, nói.
Thủ tướng Cameron, lập trường thân EU và nghiêng về ở lại liên minh, tổ chức trưng cầu dân ý do đối mặt với áp lực từ đảng Bảo thủ và ảnh hưởng ngày càng tăng từ phe phản đối EU. Ông hy vọng cuộc trưng cầu sẽ giúp kết thúc tranh cãi kéo dài nhiều thập kỷ về vị trí của Anh ở châu Âu và quan hệ với EU.
Trong chiến dịch vận động bỏ phiếu ở lại, ông khẳng định sẽ không từ chức cho dù kết quả trưng cầu là gì. Tuy nhiên, một số chuyên gia và đảng viên Bảo thủ nói lập trường thân EU sẽ khiến vị trí của ông Cameron lung lay và đảng cầm quyền có cơ chế để buộc ông phải từ chức dù không muốn.
Như Tâm