Các điểm bỏ phiếu tại 362 khu vực mở cửa vào 6h00 GMT và kết thúc lúc 21h00 GMT. Kết quả dự kiến được công bố vào khoảng 1h00 GMT đến 3h00 GMT (tức 8h đến 10h sáng giờ Hà Nội) ngày 24/6, theo Reuters.
Thủ tướng Anh David Cameron tổ chức trưng cầu dân ý do đối mặt với áp lực từ đảng Bảo thủ cầm quyền của ông và ảnh hưởng ngày càng tăng từ phe phản đối Liên minh châu Âu (EU). Ông hy vọng cuộc trưng cầu sẽ giúp kết thúc tranh cãi kéo dài nhiều thập kỷ về vị trí của Anh ở châu Âu và quan hệ với EU.
Phần lớn các khảo sát ý kiến đều cho thấy số quan điểm "rời" và "ở lại" chênh lệch không nhiều. Chiến dịch chọn "rời" cho rằng kinh tế Anh hưởng lợi từ Brexit, tức Anh rời khỏi châu Âu. Thủ tướng Cameron tuyên bố điều này làm kinh tế hỗn loạn.
"Hãy tham gia và bỏ phiếu 'ở lại' vì một Anh lớn hơn, tốt hơn bên trong EU đã cải tổ", ông Cameron nói với những người ủng hộ "ở lại".
Phe "ở lại" nói Brexit gây tổn hại kinh tế, an ninh và vị thế quốc gia. Phe "rời" nêu ra mức độ nhập cư cao sắp không thể kiểm soát ở EU và đã đến lúc chuyển quyền lực từ Brussels, Bỉ, nơi đặt trụ sở chính của EU, về London.
"Nếu không chọn 'rời', chúng ta sẽ mãi chỉ ngồi ở ghế sau, bị đưa đi theo hướng vô định, thực ra là đến nơi chúng ta không muốn và do một tài xế không rành tiếng Anh cầm lái", cựu thị trưởng London Boris Johnson nói. Ông ủng hộ Brexit và đang là ứng viên tiềm năng có thể thay thế ông Cameron.
Các nhà vận động của cả hai phe hôm qua đều tìm cách giành 10% cử tri chưa quyết định "rời" hay "ở lại". Tầng lớp trẻ tuổi ủng hộ EU nhiều hơn những người lớn tuổi nhưng khả năng cao họ sẽ không đi bỏ phiếu.
Đồng bảng Anh cuối ngày hôm qua tăng giá mạnh nhất so với USD sau khi một khảo sát cho thấy phe "ở lại" hoàn toàn vượt lên với 80% khả năng là Anh sẽ không rời EU. Các nhà đầu tư, công ty đều đang chuẩn bị cho sự biến động trên thị trường tài chính bất kể kết quả như thế nào.
Như Tâm