"Không ai xâm nhập biên giới hoặc chiếm đóng vị trí của chúng ta", Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói trên truyền hình ngày 19/6 sau cuộc họp với đại diện các đảng phái, đồng thời khẳng định quân đội nước này đủ khả năng bảo vệ khu vực biên giới với Trung Quốc.
Thủ tướng Modi khẳng định Ấn Độ sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới và "không chịu áp lực từ bên ngoài". Ấn Độ đang thúc đẩy dự án cải thiện giao thông trong vùng Ladakh, dự kiến xây dựng 66 tuyến đường quan trọng dọc theo biên giới với Trung Quốc vào năm 2022.
Vụ ẩu đả giữa lính Trung Quốc và Ấn Độ diễn ra tối 15/6 tại thung lũng Galwan, vùng Ladakh, nơi cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền. Đây là lần đụng độ gây chết người đầu tiên kể từ vụ lính Trung Quốc phục kích binh sĩ Ấn Độ năm 1975 ở Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), ranh giới được coi là biên giới Ấn - Trung.
Thủ tướng Modi ngày 17/6 khẳng định Ấn Độ muốn hòa bình song "có thể đáp trả đích đáng nếu bị khiêu khích". Cùng ngày, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar điện đàm, nhất trí "hạ nhiệt tình hình và không làm leo thang vấn đề", bất chấp hai nước còn tranh cãi xung quanh vụ ẩu đả.
Binh sĩ Ấn - Trung đối đầu ở biên giới từ đầu tháng 5. Ấn Độ cáo buộc lính Trung Quốc vượt LAC ngày 5-6/5 và đóng quân tại bốn vị trí có tổng diện tích hơn 60 km2 gồm hồ Pangong Tso, sông Galwan, Suối nước nóng (Kyam) và Demchok, khiến đụng độ nổ ra với biên phòng Ấn Độ trong hơn một tháng.
Ấn Độ cho rằng vụ tấn công hôm 15/6 được Trung Quốc lên kế hoạch từ trước, ngay cả khi các chỉ huy cấp cao của hai nước đồng ý hạ nhiệt căng thẳng trên LAC.
Trung Quốc bác cáo buộc và tuyên bố các binh sĩ Ấn Độ "cố tình khiêu khích" dẫn đến ẩu đả chết người tại khu vực biên giới cao 4.300 m, phía tây dãy Himalaya. "Đúng và sai trong sự cố này hết sức rõ ràng. Trung Quốc không phải bên chịu trách nhiệm", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)