"Thủ tướng Modi đã khiến một bộ phận rất lớn trong tầng lớp trung lưu thất vọng. Họ từng nghĩ ông ấy sẽ lãnh đạo và tạo nên sự khác biệt cho đất nước. Giờ đây, họ cảm thấy ông ấy không quan tâm đúng mức tới cuộc khủng hoảng và mặc kệ người dân tự xoay xở", Sanjay Kumar, đồng giám đốc chương trình nghiên cứu chính trị bầu cử tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội của Ấn Độ, nhận định.
Sóng thần Covid-19 càn quét Ấn Độ hơn 2 tháng qua đang làm xói mòn uy tín và hình ảnh của Thủ tướng Modi cùng đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền trong tầng lớp trung lưu Ấn Độ.
Tiếng chuông cảnh báo đầu tiên đã vang lên tại cuộc bầu cử gần đây ở bang Tây Bengal, khi ứng viên của BJP bị đánh bại bởi đương kim Thủ hiến Mamata Banerjee của đảng Trinamool Congress (TMC), bất chấp nỗ lực vận động bầu cử ráo riết của Thủ tướng Modi và các lãnh đạo đảng.
Cuộc tổng tuyển cử tại Ấn Độ đến năm 2024 mới diễn ra. Tuy nhiên, các cuộc bầu cử cấp bang được xem là chỉ dấu cụ thể cho cục diện chính trường trong tương lai và BJP đã bắt đầu nhìn thấy những tín hiệu báo động tại thùng phiếu.
Không chỉ thất bại ở Tây Bengal, ứng viên đảng BJP còn thua tại hai bang phía nam là Kerala và Tamil Nadu. Kết quả ba ngày kiểm phiếu trong bầu cử địa phương tại Uttar Prandesh, bang đông dân hơn cả Brazil và là thành trì của BJP, cũng không mấy khả quan vào ngày 11/5.
Cục diện tại những bang trên sẽ khiến tiếng nói phản đối chính phủ và đảng cầm quyền thêm quyết liệt. Nội bộ BJP cũng có nguy cơ chia rẽ khi ông Modi đánh mất niềm tin trong lòng dân với cách ứng phó cuộc khủng hoảng Covid-19, theo Kumar.
Ấn Độ vẫn chưa tìm được lối thoát sớm nhất giữa làn sóng Covid-19 thứ hai. Nước này đã ghi nhận hơn 23,3 triệu người nhiễm nCoV và hơn 250.000 người tử vong vì Covid-19. Giới chuyên gia lo ngại con số thực tế còn cao hơn báo cáo chính thức vì Ấn Độ có đến 1,4 tỷ dân, trong khi người dân nghèo ở nhiều địa phương khó tiếp cận hệ thống y tế.
Những tầng lớp xã hội mất lòng tin vào chính phủ Modi ngày một lớn. Khi làn sóng Covid-19 thứ nhất bùng phát vào năm 2020, chính phủ Ấn Độ đã áp lệnh phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt bậc nhất thế giới, đẩy hàng triệu lao động nhập cư vào cảnh khốn đốn.
Trong khi BJP và Thủ tướng Modi cổ vũ cho chủ nghĩa dân tộc Hindu giáo, tầm quan trọng của hệ thống y tế công lại bị phớt lờ, với mức đầu tư trong năm qua là 1,26% GDP. Hệ thống chăm sóc y tế thiếu hụt nguồn lực đã vỡ trận trước sức ép của đại dịch. Tác động của làn sóng thứ hai chạm đến gần như mọi ngõ ngách trong xã hội Ấn Độ, bao gồm cả tầng lớp trung lưu với gần 600 triệu dân.
Phần lớn thông điệp cầu cứu tràn ngập trên mạng xã hội thời gian qua cũng xuất phát từ tầng lớp này - những bác sĩ, giáo viên, chuyên viên công nghệ thông tin, chủ doanh nghiệp nhỏ và cả viên chức.
Giới quan sát cho rằng cảm giác phẫn nộ và bất lực của nhóm này sẽ kéo theo hệ lụy chính trị cho Thủ tướng Modi. Mức phản đối Thủ tướng Ấn Độ đã tăng từ 12% vào tháng 8/2019 lên 28% hồi tháng 4.
Theo nhà phân tích chính trị Nagesh Prabhu, tầng lớp trung lưu chiếm phần lớn cử tri ủng hộ BJP. Tăng trưởng kinh tế nhanh đã tạo nên tầng lớp đầy khát vọng và luôn hướng về tương lai. Những hứa hẹn về xã hội sạch bóng tham nhũng và cải thiện chất lượng cuộc sống từ Thủ tướng Modi đã thuyết phục họ gác lại những lo ngại về chủ nghĩa dân tộc gây tranh cãi.
"BJP xây dựng cho Thủ tướng Modi hình ảnh một lãnh đạo mạnh mẽ, sẵn sàng giải quyết những trăn trở lớn nhất trong tầng lớp trung lưu như dòng tiền bất chính, lạm phát và tham nhũng. Nhưng họ đã bị lừa", Neeraj Hatekar, cựu giáo sư kinh tế học tại Đại học Mumbai, đánh giá.
Giới chuyên gia nhận định cách ứng phó dịch bệnh thiếu hiệu quả của chính phủ Modi, tư duy phủ nhận nguy cơ dịch bệnh để tổ chức những sự kiện chính trị "siêu lây nhiễm", cùng sự ưu ái của quan chức BJP cho cộng đồng Hindu giữa làn sóng Covid-19 có thể khiến tầng lớp trung lưu Ấn Độ tức nước vỡ bờ.
Cuộc khủng hoảng lần này đã trở thành "bước ngoặt quan trọng" đối với cử tri Ấn Độ và nhiều người "đang bắt đầu nhận ra vấn đề", chuyên gia Kumar nói.
Trung Nhân (Theo TIME/Channel NewsAsia)