Sáng 23/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các bộ, ngành, địa phương.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, đến nay một số hệ thống của Chính phủ điện tử đã vận hành như Trục liên thông văn bản quốc gia; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính đang được nâng cấp, dự kiến thử nghiệm vào tháng 9, vận hành chính thức tháng 11. Ngoài ra, Văn phòng Chính phủ đang phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng.
Ở cấp bộ ngành, Bộ Thông tin Truyền thông đang nghiên cứu xây dựng dự thảo khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 2.0. Bộ Công an và Bộ Tư pháp đã cấp 1,9 triệu số định danh cá nhân, 12 triệu căn cước công dân và đang xây dựng phần mềm kết nối hệ thống căn cước công dân với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng Chính phủ điện tử là vấn đề mới, khó nhưng nếu không có quyết tâm, không dỡ bỏ nếp cũ thì khó thành công. "Chúng ta không bàn lùi, không vì những khó khăn về tài chính, khó khăn về kết nối, chia sẻ... mà không triển khai mạnh mẽ Chính phủ điện tử", ông nói.
Bên cạnh kết quả ban đầu, Thủ tướng cho rằng phải nhìn thẳng vào hạn chế là số lượng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, hiệu quả chưa cao, nhất là mức độ 3, 4. Ông lo ngại, mục tiêu hết năm 2019 có 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 sẽ khó đạt nếu không được thúc đẩy quyết liệt. Tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia làm nền tảng phát triển Chính phủ điện tử còn chậm, đặc biệt là cơ sở dữ liệu dân cư.
Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, thời gian qua xảy ra tình trạng xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử theo kiểu "trăm hoa đua nở", thiếu sự lãnh đạo tập trung. Các bộ, ngành, địa phương dùng nhiều phần mềm nền tảng, cơ sở dữ liệu khác nhau, có nguy cơ trùng lặp, không tương thích, đồng bộ, gây lãng phí.
Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ điện tử phải lấy sự thuận tiện, hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, đồng thời lưu ý dùng hình thức đối tác công tư để xây dựng.
"Những gì đã phát triển, đang chạy tốt thì phải liên thông lại. Cái gì chưa làm thì làm theo cách mới, tức là xây dựng các nền tảng dùng chung cho các tỉnh, các bộ, ngành, tránh lãng phí, triển khai đồng bộ và nhanh theo hướng Chính phủ đầu tư hoặc thuê dịch vụ của nền tảng này", Thủ tướng nói.
Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chủ trì đề xuất các nền tảng dùng chung của Chính phủ điện tử và phương án đầu tư hay thuê dịch vụ; chịu trách nhiệm về quản trị dữ liệu.
"Cơ quan, địa phương nào, cá nhân nào không làm, bàn lùi, làm chậm phải được báo cáo lên Thủ tướng để kiểm điểm, nhắc nhở, đôn đốc và xử lý thì công cuộc này mới thành công", Thủ tướng nói và yêu cầu vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia vào tháng 11/2019.