Chiều 12/3, tại lễ khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đây là tiền đề của nền tảng tích hợp dữ liệu phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử.
Theo ông, tháng 7/2018, Thủ tướng đã ban hành quyết định về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước, trong đó lần đầu định nghĩa về Trục liên thông văn bản quốc gia. Ngay sau đó, Văn phòng Chính phủ đã triển khai kế hoạch với 13 nhiệm vụ khác nhau để thực hiện chủ trương trên.
Đến nay, Trục liên thông văn bản quốc gia bước đầu hoàn thành và thử nghiệm thuận lợi. Tất cả 95 cơ quan Trung ương và địa phương đã hoàn thành kết nối trên Trục; trong tháng 1/2019 đã có gần 30.000 văn bản nhận điện tử được gửi và nhận.
"Đây là một bước đột phá mạnh mẽ vào tư duy giấy tờ, quan liêu kiểu cũ để tạo lập nền tảng cho những bước phát triển mới", ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh và ước tính, sau khi trừ chi phí thuê dịch vụ, ứng dụng nêu trên sẽ tiết kiệm cho ngân sách 1.200 tỉ đồng mỗi năm bao gồm tiền giấy, mực, sao lưu, gửi bưu chính, thời gian...
Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam... đã thực hiện nghi thức khai trương Trục; đồng thời, Thủ tướng dùng chữ ký số để ban hành đề án Cổng thông tin dịch vụ công quốc gia trên hệ thống điện tử.
"Phải đảo đảm tối đa an toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, tổ chức; không được để lộ, lọt dữ liệu và thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Đây là vấn đề trọng yếu, sống còn của Trục liên thông văn bản quốc gia", lãnh đạo Chính phủ nói.
Theo Quyết định 28/2018 của Thủ tướng về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước thì văn bản điện tử là dạng dữ liệu được tạo lập hoặc số hoá từ văn bản giấy. Trục liên thông văn bản quốc gia là giải pháp kỹ thuật, công nghệ được triển khai từ Văn phòng Chính phủ tới các bộ, ngành, địa phương để kết nối, liên thông gửi và nhận văn bản điện tử.