Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, khi họp trực tuyến với Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội sáng 8/5. "Thành phố thiết tha mong Thủ tướng thống nhất chủ trương, giao Bộ Xây dựng hướng dẫn để trong quý 3 thành phố có thể hoàn thành đề án trình Chính phủ", ông Nhân nói.
Khu đô thị sáng tạo chính là Thành phố phía Đông mà TP HCM ấp ủ thành lập từ nhiều năm qua, sẽ được thành lập trên 3 nền tảng là Khu công nghệ cao quận 9, Đại học Quốc gia ở Thủ Đức và trung tâm tài chính ở Thủ Thiêm quận 2. Với 10% dân số và diện tích, đây sẽ là vùng động lực cho thành phố phát triển với ước tính đóng góp 30% GDP của TP HCM, tương đương 4-5% GDP cả nước.
Theo ông Nhân, muốn làm được, mặt quản lý hành chính phải được thống nhất bằng cách sáp nhập 3 quận thành một thành phố - giống những thành phố thuộc tỉnh mà nhiều địa phương khác đang có. Trước năm 1975, 3 quận này là huyện Thủ Đức, thuần về nông nghiệp.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ việc sáp nhập 3 quận phía Đông của thành phố. "Còn tên gọi là gì sau khi thành lập sẽ bàn luận tiếp", Thủ tướng nói và giao Bộ Tư pháp hướng dẫn TP HCM.
Trước đó, đồng tình với TP HCM, song Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, việc thành lập Thành phố phía Đông liên quan đến tổ chức bộ máy chính quyền. Nếu được Chính phủ đồng ý vẫn phải gắn với chỉ đạo của Bộ Chính trị về sắp xếp lại bộ máy hành chính cấp xã, phường. Vì thế, TP HCM nên quan tâm thực hiện Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị ngay trong năm nay.
Theo ông Tuấn, việc lập Thành phố phía Đông nên nằm trong cùng đề án thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận huyện, phường xã vì cùng liên quan đến các vấn đề về tổ chức bộ máy hành chính, cơ chế hoạt động của cán bộ công chức. "Đề xuất của TP HCM không trái quy định pháp luật, nếu thành lập thành phố phía Đông từ 3 quận thì cũng chỉ là đơn vị hành chính cấp huyện thôi, không khác được", ông Tuấn nói.
Trong khi đó, đại diện Bộ Xây dựng cho biết đã nhận được công văn của TP HCM nhưng nội dung chỉ là "đề nghị hướng dẫn hồ sơ" và Bộ chưa có thông tin đầy đủ về đề án này.
Nội dung xây dựng thành phố trong thành phố đã có quy định trong Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tuy nhiên, ở góc độ pháp luật quy hoạch cũng như phát triển đô thị, thì khu vực dự định lập thành phố phải được quy hoạch và có chương trình phát triển đô thị, đáp ứng được các tiêu chí về đô thị.
Theo Bộ Xây dựng, quy trình lập thành phố trong thành phố liên quan trực tiếp đến chức năng nhiệm vụ của Bộ Nội vụ và thẩm quyền của Quốc hội. Vì vậy, Bộ Nội vụ cần hướng dẫn TP HCM đề xuất theo cơ chế đặc thù - như Nghị quyết 653 của Quốc hội và Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính.
"Lúc đó không cần quan tâm đến công tác quy hoạch và các tiêu chí khác", đại diện Bộ Xây dựng nói và cho biết hiện quy hoạch Khu đô thị sáng tạo đã được Thủ tướng đồng ý chủ trương theo hướng bổ sung quy hoạch này vào quy hoạch chung TP HCM.
TP HCM xác định Thành phố phía Đông là hạt nhân thúc đẩy kinh tế và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên những nền tảng có sẵn. Trong đó, Đại học Quốc gia TP HCM với 18 đại học thành viên và viện nghiên cứu là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố; Khu công nghệ cao rộng khoảng 1.066 ha với 13 tập đoàn, công ty đang hoạt động, sử dụng 36.000 lao động; còn trung tâm thương mại dịch vụ tài chính tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với diện tích 657 ha đang hình thành.
Khu vực này cũng được kỳ vọng góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế và sự hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp. Đồng thời, nó đóng vai trò trung tâm, triển khai các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật thương mại khép kín; liên kết nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ với ứng dụng phát triển sản phẩm thương mại hóa phục vụ cuộc sống người dân và vươn tầm quốc tế.
Hữu Công