Căn cứ Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, người yêu cầu chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch (thực tế, nhiều người thường gọi là chứng thực sơ yếu lý lịch) để xin việc có thể lựa chọn một trong những nơi sau đây, miễn sao là thuận tiện để thực hiện thủ tục chứng thực:
- Bất kỳ ủy ban nhân dân phường, xã hoặc Phòng tư pháp cấp huyện nào (không bắt buộc phải là nơi có hộ khẩu thường trú).
- Bất kỳ phòng công chứng/văn phòng công chứng nào.
- Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự và cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (đối với người đang ở nước ngoài).
Căn cứ khoản 1 Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 07/2025/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 9/1/2025), người yêu cầu chứng thực chữ ký của mình trong sơ yếu lý lịch phải xuất trình các giấy tờ sau đây:
1. Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc Thẻ căn cước hoặc Giấy chứng nhận căn cước hoặc Hộ chiếu hoặc giấy tờ xuất nhập cảnh hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị sử dụng hoặc Căn cước điện tử.
Quy định trước đây, chỉ chấp nhận bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng.
Với quy định mới này sẽ bảo đảm thuận lợi hơn cho người có yêu cầu chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch.
2. Sơ yếu lý lịch mà người yêu cầu chứng thực sẽ ký.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM