Thứ tự sinh có thể ảnh hưởng tới tính cách, thói quen của một người. Theo một nghiên cứu mới đây của tạp chí Journal of Financial Therapy (Mỹ), thậm chí là cách quản lý tài chính của một người cũng phần nào chịu tác động của thứ tự sinh.
Con cả
Trong gia đình, anh chị cả thường có xu hướng trưởng thành, tự tin và cầu toàn hơn hẳn các em. Do ngay từ nhỏ đã gánh những trách nhiệm và kỳ vọng của cha mẹ nên con cả thường biết tổ chức và quản lý cuộc sống của mình tốt hơn.
Trong một bài viết đăng trên Irish Time, nhà tâm lý học lâm sàng Mark Harrold cho rằng con đầu lòng thường được cha mẹ quan tâm nhiều hơn, gắn bó với cha mẹ nhiều hơn, họ cũng thường được học cao hơn và theo đuổi những công việc hấp dẫn như luật sư, kế toán, ngân hàng, công nghệ thông tin. Nhiều người làm ở các vị trí lãnh đạo.
Các đặc điểm tính cách của con cả cũng khiến họ có trách nhiệm với tiền bạc, biết cách quản lý tiền chặt chẽ, luôn thanh toán các hóa đơn đúng hẹn, chi tiêu đúng khả năng của mình, có ý thức tiết kiệm, đầu tư và nhìn tổng thể là có một nền tài chính ổn định.
Là con đầu lòng trong gia đình, con cả thường có rất nhiều ưu tiên tài chính cùng một lúc, ví dụ, họ có thể tiết kiệm 20% thu nhập cho tài khoản hưu trí đồng thời biết xây dựng một quỹ khẩn cấp 6 tháng và tiết kiệm tiền cho con học đại học.
Lời khuyên cho con cả: Vì cố gắng hướng đến sự hoàn hảo mà đôi khi con cả thiết lập những mục tiêu không thực tế, làm hỏng cả những kế hoạch tài chính tốt nhất. Nếu bạn đang lâm vào tình trạng này, hãy nhớ rằng theo đuổi quá nhiều ưu tiên tài chính cùng một lúc có thể khiến bạn bị căng thẳng một cách không cần thiết. Tốt nhất bạn hãy lập một danh sách ưu tiên cho cả các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Sử dụng danh sách này như một lộ trình và bước từng bước nhỏ mỗi tháng để đạt được mục tiêu bạn mong muốn.
Con giữa
Trong khi con cả và con út thường giành được nhiều sự quan tâm của cha mẹ thì con giữa có thể cảm thấy mình bị bố mẹ bỏ rơi, do đó tính cách của con giữa là khá linh hoạt. Cách quản lý tiền bạc của con giữa vì thế cũng linh hoạt hơn và cân bằng hơn.
Con giữa nhìn lên nhìn xuống đều thấy gia đình, vì thế họ có năng khiếu tự nhiên giải quyết các vấn đề với kỹ năng đàm phán xuất sắc. Khi nói đến thói quen tài chính, con giữa ngay từ khi sinh ra đã là người biết tiết kiệm, khoảng 65% con giữa biết để dành tiền mỗi tháng.
Lời khuyên cho con giữa: Con giữa dễ hợp tác, linh hoạt nhưng đôi khi lại linh hoạt quá mức cần thiết và đôi khi cả nể. Trong nhiều trường hợp, họ có xu hướng dễ dàng cho người khác vay tiền. Việc này có thể khiến họ bỏ bê những mong muốn và nhu cầu của chính mình.
Để con giữa tránh cảm giác bị áp lực làm hài lòng người khác, chuyên gia tư vấn tài chính Kurtis Klausmeyer (Mỹ) khuyên: Trước khi cho ai đó vay tiền, con giữa cần phải biết đánh giá tình hình. Con giữa hãy nên tự hỏi bản thân mình, lý do những lần gần đây mình giúp đỡ người khác là gì. Lần tới, nếu được yêu cầu làm một việc mà bạn không muốn, con giữa hãy nói không. Con giữa có thể thấy những người bạn thực sự sẽ không chia tay mình chỉ vì mình không thể giúp họ.
Con út
Cuộc sống của con út thường có rất nhiều thú vui và trò tiêu khiển. So với các anh chị em trong nhà, con út thường có những thói quen tài chính xấu và ít có trách nhiệm với tiền bạc nhất. Con út ít biết tiết kiệm, đặc biệt không mấy khi có khoản dự phòng cho những bất trắc.
Quen với việc được gia đình chăm sóc nên con út ít có khả năng hạn chế chi tiêu khi đối mặt với tình hình tài chính khó khăn. Từ khi sinh ra, con út đã có xu hướng hưởng thụ, theo đuổi các mục tiêu trước mắt hơn là các mục tiêu dài hạn.
Lời khuyên cho con út: Theo Klausmeyer, trong hầu hết các trường hợp, những ngày vô tư của tiêu xài của con út cuối cùng sẽ giảm dần và họ cũng sẽ biết cách quản lý tài chính thận trọng hơn. Tuy nhiên, ông cảnh báo, nhiều con út không thực sự thay đổi cho đến khi họ rơi vào khủng hoảng tài chính thực sự. Vì thế, để tránh khủng hoảng sau này, con út cần phải thay đổi cách quản lý tài chính từ sớm.
Con một
Con một có những thói quen tích cực và tiêu cực của tất cả các thứ tự sinh. Con một thường lớn lên trong môi trường toàn người lớn, kết quả là chúng thường trưởng thành và nhiều tham vọng hơn. Sau một thời gian dài là tâm điểm của cha mẹ, con một vì thế thường rất sáng tạo và tự tin.
Bên cạnh những điều tích cực này, con một thường có thói quen chi tiêu không lành mạnh. Chuyên gia trị liệu các vấn đề gia đình Lisa Bahar cho biết: Con một thường được bố mẹ bố mẹ đáp ứng nhiều mong muốn mua sắm, vì thế con một thường gặp khó khăn trong việc quản lý tài chính.
Bởi vì con một được hưởng sự quan tâm của cha mẹ trong suốt cuộc đời, nên họ có khuynh hướng chi tiêu để gây ấn tượng với người khác, thậm chí họ thường chi tiêu quá khả năng của mình.
Tuy nhiên, cũng như con đầu lòng, con một là người cầu toàn và lập kế hoạch tốt. Vì thế, nếu nhận thấy mình đang vung tay quá trán, con một có thể thể hiện tài năng bằng cách hoàn thiện kỹ năng lập ngân sách, xem xét những loại chi phí mà mình có thể cắt giảm và bắt đầu thực hành những thói quen chi tiêu tiết kiệm.
Kết luận: Dù bạn là con thứ mấy trong gia đình, bạn đều có thể kiểm soát chi tiêu. Hãy bắt đầu bằng cách tận dụng những điểm mạnh của bạn và khắc phục những khuynh hướng tự nhiên. Làm như vậy, bạn sẽ đạt được thành công tài chính, bất kể bạn sinh ở thứ tự nào.
Hoàng Anh (Theo Business Insider)