Một số người quản lý tài chính rất tốt. Dù thu nhập thế nào họ vẫn sống ổn và có tiền dư để tiết kiệm. Nếu bạn chưa đạt được điều đó, bạn cần phải thay đổi cách quản lý tài chính của mình. Dưới đây là 9 dấu hiệu báo động cho bạn:
1. Phụ thuộc vào thẻ tín dụng
Chúng ta thỉnh thoảng vẫn dùng đến thẻ tín dụng nhưng nếu bạn quá phụ thuộc vào nó thì bạn cần phải suy nghĩ về cách quản lý tài chính của mình. Bước đầu tiên để giải quyết vấn đề là cần lập một ngân sách cụ thể rõ ràng. Ngân sách có thể giúp bạn xác định những lĩnh vực mà bạn đang chi tiêu quá mức, và các vấn đề khác như không kiếm đủ để trang trải nhu cầu. Nếu bạn lập ngân sách ngay bây giờ, bạn có thể nhanh chóng thay đổi tình hình và chấm dứt việc sử dụng thẻ tín dụng của mình.
2. Trả tiền chậm
Thỉnh thoảng bạn có thể quên trả tiền các hóa đơn. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên trả tiền chậm các hóa đơn thì đó lại là một dấu hiệu không hề tốt. Nếu chỉ vì bạn đãng trí, bạn cần giải quyết tình trạng này bằng cách đưa việc thanh toán hóa đơn thành tự động hóa hoặc thanh toán các hóa đơn ngay đầu tháng. Còn nếu bạn trả chậm vì không có tiền, việc lập ngân sách và theo sát các kế hoạch một cách cẩn thận sẽ giúp bạn trả các hóa đơn đúng hạn.
3. Mất ngủ vì lo lắng về tiền
Nếu bạn thao thức cả đêm vì lo lắng về tài chính hoặc nghĩ cách trang trải các chi phí, chắc chắn đây là một dấu hiệu cho thấy bạn cần phải thay đổi cách quản lý tiền bạc. Khi bạn có một ngân sách mà bạn có thể theo sát nó và một khoản tiền tiết kiệm dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp, bạn sẽ bớt lo lắng về tài chính, nghĩa là bạn có thể dễ dàng nghỉ ngơi hơn. Hãy thay đổi cách quản lý tiền bạc để bạn có thể ngủ ngon vào mỗi đêm.
4. Không thảo luận về tiền nong với vợ chồng mình
Khi bạn kết hôn, việc lập ngân sách sẽ phức tạp hơn. Vợ chồng bạn có thể bội chi mà không nhận ra bởi cả hai người đều đang chi tiêu đồng thời với nhau. Khi sáp nhập hai phong cách quản lý tiền khác nhau có thể gây ra sự bực bội, khó chịu. Rất nhiều cặp vợ chồng đã tranh cãi về tiền bạc từ năm này qua năm khác. Giải pháp đầu tiên là cả hai lập chung một ngân sách, sau đó thường xuyên trao đổi về thu chi để cho ngân sách thực sự có hiệu quả. Nếu bạn làm được điều này, chắc chắn bạn sẽ quản lý được ngân sách trong tương lai.
5. Không có ngân sách
Nếu bạn đang kiếm tiền và chi tiêu từng ngày mà không có ngân sách thì bạn nên bắt đầu lập ngân sách, ngay cả khi bạn có thể trả tất cả các hóa đơn và không bao giờ lâm vào tình trạng bí tiền mỗi tháng. Một ngân sách sẽ giúp bạn không hoang phí cho những thứ không cần thiết và làm việc để đạt được mục đích của mình. Ngân sách giúp bạn xác định được mục tiêu và là bước đầu tiên trong việc kiểm soát tài chính của bạn. Nếu bạn không có một ngân sách, bạn dễ dàng tự lừa dối mình về tình hình tài chính của bản thân.
6. Ngập trong nợ nần
Nếu đang nợ nần chồng chất, bạn cần phải thay đổi. Bạn có thể bắt đầu bằng cách lên kế hoạch trả nợ, đồng thời làm việc chăm chỉ và có kỷ luật hơn.
7. Bị mắc kẹt trong tình trạng hết tiền
Nếu bạn cảm thấy không thể làm việc gì đó vì không có tiền, bạn cũng cần phải thay đổi cách quản lý tài chính. Bạn có thể trả hết các hóa đơn nhưng bạn dường như không thể thực hiện các bước tiếp theo.
Để thoát khỏi tình trạng hết tiền, bạn cần lập các kế hoạch tài chính. Một khi biết rõ mình muốn làm gì, bạn sẽ dễ dàng tạo động lực cho mình để thực hiện việc đó. Hãy dừng cảm giác cái khó bó cái khôn để bắt đầu làm điều gì đó và thay đổi.
8. Bạn hết tiền quá sớm ngay đầu tháng
Nếu đến cuối tháng, bạn luôn lo lắng làm sao có tiền mua thức ăn hay trả các hóa đơn chứng tỏ bạn có vấn đề với tiền bạc. Một ngân quỹ được chia ra thành nhiều khoản chi tiêu có thể giúp bạn không tiêu hết tất cả số tiền ngay từ đầu tháng.
9. Mỗi trục trặc bất ngờ đều trở thành thảm họa
Khi bạn đang gặp khó khăn về tài chính, việc sửa xe, chữa nhà hay khám bệnh đều khiến bạn cảm thấy dường như thế giới đang đến hồi kết thúc. Nếu lúc nào bạn cũng có cảm giác đó, bạn cần thay đổi cách quản lý tài chính. Một ngân sách và một quỹ khẩn cấp có thể giúp bạn thoải mái. Bắt đầu bằng cách tiết kiệm mỗi tháng một phần nhỏ, cuối cùng để riêng số tiền mà bạn có thể chi tiêu hàng ngày trong ít nhất là nửa năm, bạn có thể xử lý bất cứ điều gì mà cuộc sống ném vào mình.
Hoàng Anh (Theo About Money)