Trả lời báo chí ngày 29/12, liên quan tới ca nhiễm Omicron đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam, ông Phu cho biết tình huống này đã được dự đoán trước. Kể từ khi Omicron được báo cáo lần đầu vào cuối tháng 11, hiện hơn 100 nước ghi nhận biến chủng này. "Vì vậy, khó có thể ngăn chặn Omicron không xâm nhập Việt Nam", ông nói.
Ông Phu cho rằng có khả năng F0 nhiễm Omicron ẩn nấp trong cộng đồng, do không phải ca nhiễm nào cũng được giải trình tự gene virus. Từ đó tiềm ẩn nguy cơ biến chủng âm thầm lây lan nhanh, khiến số ca nhiễm tăng cao trong thời gian ngắn, gây quá tải hệ thống y tế. Khi đó, người bệnh nếu không được chăm sóc y tế kịp thời có thể nhanh chóng chuyển nặng và tử vong. Mặt khác, số ca nhiễm quá nhiều gây phân tầng người bệnh sai, dẫn đến hiện tượng "quá tải ảo" - tức người nặng, cần điều trị không được hỗ trợ y tế, trong khi người nhẹ hơn lại được tiếp cận y tế sớm.
Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng (Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược TP HCM), nói các nghiên cứu cho thấy biến chủng Omicron lây lan nhanh gấp 5 lần chủng cũ, song độ nặng, nhập viện giảm 1/3. Nhóm chuyên gia ở Hong Kong cho rằng Omicron trong mô phổi có tải lượng thấp hơn các chủng cổ điển, dù lượng virus ở đường hô hấp trên tăng sinh nhiều hơn. Điều này giải thích nguyên nhân Omicron lây lan nhanh nhưng có thể ít gây bệnh nặng hơn so với Delta hoặc chủng virus gốc.
Ngày 29/12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết nguy cơ từ biến chủng Omciron vẫn rất cao, số ca nhiễm toàn cầu đã tăng thêm 11% tính đến 26/12. WHO nhận định khả năng lây lan của biến chủng Omicron lớn hơn Delta, với thời gian lây lan tăng gấp đôi chỉ từ hai đến ba ngày. Nguyên nhân khiến Omciron tăng nhanh có thể là sự kết hợp của cả khả năng né tránh miễn dịch và tính chất dễ lây lan hơn của bản thân biến chủng.
Từ các phân tích này, các chuyên gia cùng cho rằng Việt Nam cần kiểm soát tốt và sử dụng nhiều biện pháp dự phòng quyết liệt nhằm hạn chế tốc độ lây lan của biến chủng, dù chỉ mới phát hiện một ca nhiễm. Theo phó giáo sư Dũng, quan trọng nhất là tranh thủ thời gian để tiêm chủng, bảo vệ cho nhóm nguy cơ cao, người trên 50 tuổi càng nhanh càng tốt. Bảo vệ nhóm nguy cơ sẽ giảm quá tải bệnh viện, tỷ lệ tử vong, tiết kiệm nguồn lực y tế.
Các trạm y tế cơ sở cần nâng cao năng lực gồm chuẩn bị thêm trang thiết bị phòng chống dịch như bình oxy, mặt nạ thở oxy, máy đo nồng độ SpO2... Việc này giúp người dân được tiếp cận dễ dàng khi điều trị bệnh tại nhà, tránh trường hợp bị động hay quá tải khi số ca nhiễm tăng cao.
Theo phó giáo sư Phu, các địa phương cần chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó với biến chủng mới và Covid-19, tinh thần "nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó". Tránh đáp ứng không tới thì không kiểm soát được dịch bệnh hoặc siết chặt phòng dịch thái quá dẫn tới giãn cách diện rộng, ngăn sông cấm chợ, ảnh hưởng kinh tế an sinh xã hội người dân.
"Nên chuẩn bị kịch bản hoạt động nào được phép, hoạt động nào được tạm dừng, hoạt động nào có điều kiện an toàn phòng chống dịch bệnh và ưu tiên các hoạt động thiết yếu", phó giáo sư Phu nói.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên nghiêm túc thực hiện 5K, hạn chế các hoạt động như đi lại, tiếp xúc gần, ở trong môi trường kín, tránh tư tưởng tiêm vaccine rồi thì không bị bệnh, buông trôi thả lỏng không phòng dịch. Những giải pháp phòng dịch không thay đổi nhưng cần quyết liệt hơn để giảm sự lây lan, đặc biệt trong thời điểm Tết dương lịch và Tết nguyên đán đang cận kề.
Bộ Y tế ghi nhận ca nhiễm Omicron đầu tiên, là người về từ Anh, nhập cảnh tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) ngày 19/12. Tại sân bay, người này test nhanh dương tính, được vận chuyển bằng xe riêng và cách ly, điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hiện người này sức khỏe bình thường, không biểu hiện triệu chứng.
Giáo sư Phan Trọng Lân (Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế) ngày 29/12 cho biết 165 người đi cùng chuyến bay với ca nhiễm Omicron, đã được cách ly tập trung, không có khả năng lây cộng đồng. Bộ Y tế đang tiếp tục giám sát chặt tình hình Covid-19, biến chủng Omicron, chỉ đạo địa phương tăng cường xét nghiệm.
Chi Lê - Lê Cầm