Sáng 21/7, tại hội nghị về Kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị Covid-19 do Bệnh viện Quân y 175 tổ chức, ông Sơn cho biết thế giới vẫn coi Covid-19 là đại dịch, đặc biệt gần đây xuất hiện thêm nhiều biến chủng đáng quan ngại như BA.4, BA.5, BA.2.75...
"Do đó, chúng ta phải trong tâm thế chủ động mọi điều kiện, không để TP HCM tái trở lại dịch bệnh lần hai, đó là mệnh lệnh", ông Sơn nói.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, cho biết nơi này luôn sẵn sàng cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị, kịch bản điều trị với biến chủng mới. "Bằng tất cả kinh nghiệm, chúng tôi sẵn sàng bước vào trận chiến mới khi cần", lãnh đạo bệnh viện nói.
Diễn biến Covid-19 trên toàn cầu cũng như cả nước có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, đầu tháng 7, TP HCM tầm soát ngẫu nhiên ghi nhận ba ca nhiễm biến chủng mới là BA.4 và BA.5. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng từng vài lần cảnh báo dịch "diễn biến không bình thường", có thể bùng phát trở lại.
Vài tuần qua, số ca mắc mới Covid-19 tại thành phố có dấu hiệu tăng nhẹ, trung bình 30-50 ca mỗi ngày. Riêng hai ngày 12 và 13/7, số ca mắc mới ghi nhận hơn 80.
Trước nguy cơ này, thành phố tiếp tục duy trì hoạt động của Bệnh viện dã chiến đa tầng số 13, tại Bình Chánh. Đây là bệnh viện dã chiến Covid duy nhất hiện còn hoạt động tại TP HCM. Các bệnh viện dã chiến khác đã giải thể và Covid trở thành bệnh điều trị thường quy tại các cơ sở y tế.
Bệnh viện số 13 lâu nay do các y bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ quản lý, từ ngày 20/7 chuyển Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM tiếp quản. Bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, kiêm Giám đốc bệnh viện dã chiến 13, cho biết: "Covid-19 có nguy cơ bùng trở lại, đe dọa thành phố do diễn biến khó lường của các biến chủng mới, nên bệnh viện dã chiến vẫn cần duy trì".
Bệnh viện dã chiến 13 có 1.350 giường, trong đó 500 giường hồi sức tích cực (ICU). Đơn vị này có đầy đủ trang thiết bị, máy móc, vật tư y tế, oxy lỏng, thuốc... sẵn sàng kích hoạt trong 24 giờ, có thể thu dung F0 nhẹ đến nguy kịch, đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch khẩn cấp.
Từ giữa tháng 4, bệnh nhân cuối cùng tại đây đã xuất viện, từ đó đến nay không có F0 nào nhập viện. Dù vậy, khoảng 10 nhân viên y tế hành chính trước đây thuộc Bệnh viện Từ Dũ (nay là nhóm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM) luân phiên trực 24/24h. Họ có nhiệm vụ quản lý và giữ cho các máy móc ổn định, có thể sử dụng ngay. Tình huống dịch bùng lớn, nhân sự y tế sẽ được huy động từ các bệnh viện khác, số lượng tùy tình hình, theo bác sĩ Dũng.
Ngoài ra, gần 30 dân quân cơ động hàng ngày duy trì trực gác, tuần tra bảo vệ an ninh, tài sản cho bệnh viện. Bác sĩ Hồng Công Danh, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, Giám đốc tiền nhiệm của Dã chiến 13, cho biết cơ sở này còn lưu giữ nhiều thuốc điều trị Covid-19, cùng hàng nghìn trang thiết bị máy móc được điều chuyển từ các đơn vị khác tới hoặc do mạnh thường quân tài trợ.
Hiện, các kinh phí để duy trì hoạt động của Bệnh viện dã chiến 13 như điện nước, hành chính, lương... được Sở Y tế và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chi trả. Nhân viên y tế không cho biết cụ thể số tiền hàng tháng để duy trì bệnh viện. Mặc dù vậy, các bác sĩ cho rằng tốn nhân lực và kinh phí để duy trì đơn vị trong giai đoạn này là cần thiết, bởi đợt dịch bùng năm ngoái là bài học kinh nghiệm nhãn tiền.
Ngoài Bệnh viện dã chiến số 13, Sở Y tế TP HCM cũng phân công Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 1, 2 và Nhi đồng Thành phố, cùng các bệnh viện trung ương như Chợ Rẫy, Thống Nhất, Quân y 175 tiếp tục đóng vai trò là tuyến cuối về điều trị Covid-19. Bên cạnh đó, 37 bệnh viện công lập và tư nhân trong thành phố có khoa hoặc đơn vị Covid-19.
Thư Anh - Lê Phương