Yêu cầu được Thứ trưởng Sơn đưa ra khi cùng đoàn Bộ phận thường trực Bộ Y tế tại thành phố thị sát Trạm Y tế xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè), ngày 30/8. TP HCM đang tăng cường điều trị F0 tại nhà, thiết lập các trạm y tế lưu động chăm sóc, phát thuốc F0.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng Trạm Y tế xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) cho biết sau khi test nhanh có kết quả dương tính, trạm sẽ sàng lọc, lập hồ sơ và xét nghiệm khẳng định bằng PCR. "Từ đó, nhân viên y tế lập danh sách F0 đủ điều kiện ở nhà theo từng ấp rồi chuyển cho trạm y tế lưu động để phát thuốc và chăm sóc", bác sĩ Thanh nói.
Thứ trưởng Sơn lập tức chấn chỉnh, bởi theo hướng dẫn mới, không cần xét nghiệm lại bằng PCR sau khi test nhanh dương tính.
Hướng dẫn hiện nay của Sở Y tế TP HCM, F0 được cách ly, theo dõi tại nhà khi xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh dương tính. Sau đó, F0 được lấy mẫu xét nghiệm tại nhà (test nhanh hoặc PCR) vào ngày thứ 14 để chuẩn bị kết thúc thời gian cách ly.
"Nếu trông chờ xét nghiệm PCR vừa mất thời gian, vừa gây quá tải cho bộ phận xét nghiệm", ông Sơn nhấn mạnh.
Theo đó, người có kết quả dương tính sau test nhanh, đủ điều kiện cách ly tại nhà thì phát ngay túi thuốc. Ai bắt buộc phải đưa đi cách ly tập trung thì mới lấy mẫu xét nghiệm PCR, kết quả nồng độ virus thấp (CT ≥ 30) thì cho về nhà theo dõi. "Người có nồng độ virus cao thì ở lại khu cách ly", thứ trưởng Sơn hướng dẫn.
Trạm Y tế lưu động 13 (đặt ở Trường tiểu học Lê Quang Định, xã Phước Kiển), đã được cấp những thiết bị y tế cần thiết như máy đo SpO2, oxy di động, thuốc men... Các bác sĩ quân y có mặt hỗ trợ người dân.
Bác sĩ quân y Trương Ngọc Nam, phụ trách Trạm Y tế lưu động 13, cho biết trạm đang chăm sóc, quản lý gần 200 F0 tại nhà. "Chúng tôi nhận được danh sách ca nhiễm nào thì liên lạc ngay với họ để đến tận nhà cấp phát thuốc, tư vấn cách sử dụng, đồng thời để lai số điện thoại của y bác sĩ cho F0 gọi khi cần", bác sĩ Nam thông tin.
Thứ trưởng Sơn đề nghị phải phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả hơn giữa y bác sĩ với các tình nguyện viên và những bộ phận khác trong quá trình theo dõi, chăm sóc F0 tại nhà. Ông cũng yêu cầu các trạm y tế lưu động, đội y tế, đội an sinh khác ở Nhà Bè phát nhanh nhất túi thuốc cho F0, đưa cho người dân và các F0 các số điện thoại liên hệ. "F0 cần được chăm sóc sức khỏe, tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản sớm nhất", thứ trưởng nhấn mạnh.
Tiếp cận một số gia đình F0 ở quận 4, Thứ trưởng Sơn hướng dẫn bệnh nhân nếu có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường như ho, sốt, khó thở phải báo ngay cho nhân viên y tế địa bàn, các trạm y tế lưu động. F0 cần lưu sẵn các số đầu mối liên lạc của y tế địa bàn, khi có dấu hiệu sức khỏe bất thường phải gọi ngay, không nên chần chừ để ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Tại Trạm Y tế lưu động số 6 quận 4, Thứ trưởng Sơn yêu cầu địa phương cùng lực lượng y tế cơ sở hướng dẫn và phát bộ test nhanh cho người dân "vùng đỏ" "vùng cam" tự xét nghiệm tại nhà để tránh lây nhiễm chéo, cũng như giúp người dân nắm bắt được diễn biến sức khỏe của mình, tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
Bác sĩ quân y Trần Đình Nho phụ trách trạm này, cho biết đang quản lý, chăm sóc gần 190 F0 tại nhà. Túi thuốc mới của ngành y tế đã phát đến khoảng 40 người. Trước đó, trạm phát cho các F0 thuốc hỗ trợ của phường hoặc Cục Quân y.
Lý giải tốc độ phát các túi thuốc chưa thực sự khẩn trương, bác sĩ Nguyễn Xuân Huân (giám đốc Trung tâm y tế Quận 4) cho biết nhận được 1.260 túi thuốc và đã cấp được hơn 800 túi. Những người có kết quả test nhanh dương tính cần được cập nhật lên phần mềm rồi mới phát thuốc để tránh thuốc thất lạc.
"Nhân viên y tế lo làm xét nghiệm cả ngày nên thường buổi tối mới cập nhật được F0 lên phần mềm và sáng hôm sau mới phát được túi thuốc. Đó là chưa kể thuốc nhận về còn phải phân chia ra các túi cũng đòi hỏi cần có thời gian", bác sĩ Huân chia sẻ.
Để giải quyết thực trạng trên, Thứ trưởng Sơn chỉ đạo các trung tâm y tế quận, huyện khi nhận được các túi thuốc cho F0 phân bổ xuống thì phát ngay cho các Trạm Y tế lưu động để đưa đến các F0 nhanh nhất. "Cần ưu tiên phát túi thuốc ngay cho F0 mà không cần phải chờ sau khi cập nhật ca đó lên phần mềm", ông Sơn nói.
"Cùng với đó cần tư vấn, hướng dẫn cụ thể và động viên, không để những người nhiễm Covid-19 hoảng loạn, thiếu thuốc", thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.