Thông tin được Phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan (Chủ tịch Hội Dược học TP HCM, thành viên phụ trách Chương trình triển khai Túi thuốc điều trị F0 tại nhà và cơ sở điều trị) cho biết tại họp báo về công tác phòng chống Covid-19, chiều 30/8.
TP HCM đang triển khai phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà, với 3 túi thuốc (A, B, C). Trong đó, túi thuốc A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng. Túi thuốc B là những thuốc sử dụng hạn chế trong một số tình huống đặc biệt bao gồm thuốc kháng viêm corticoid và thuốc kháng đông. Đặc biệt, túi thuốc C là thuốc kháng virus molnupiravir đang dùng trong giai đoạn thử nghiệm.
Theo bà Lan, đến nay Sở Y tế TP HCM đã chuẩn bị 150.000 túi thuốc A và B. Trong đó, khoảng 74.000 túi đã được giao về các trung tâm y tế quận, huyện để đưa xuống phường, xã. Số còn lại đang được tích trữ tại Bệnh viện Nhi đồng 1, sẵn sàng phục vụ nhu cầu F0 sắp tới. "Hiện, túi thuốc A và B đủ phát cho bệnh nhân", bà Lan nói.
Túi thuốc C đang trong công trình nghiên cứu của Bộ Y tế. Thuốc molnupiravir trong túi C là sản phẩm do hãng dược phẩm Merck của Mỹ và Công ty Ridgeback của Đức nghiên cứu phát triển, điều trị Covid-19 cho bệnh nhân từ nhẹ đến trung bình. Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm nhượng quyền sản xuất tại Việt Nam. Hiện, thuốc này chưa được Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cấp phép.
Trong 116.000 liều molnupiravir được Stellapharm tài trợ, Bộ Y tế đã phân bổ cho TP HCM 50.000 liều. "Thành phố mới nhận 16.000 liều nên việc đưa xuống địa phương có thể thiếu", bà Lan nói và cho biết 34.000 liều còn lại sẽ được bổ sung vào ngày 31/8 hoặc 1/9. Những ngày qua, phần lớn F0 chỉ nhận được túi thuốc A và B.
Molnupiravir là thuốc kháng virus mới, đang trong giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng trên thế giới. Thuốc đã trải qua hơn một tuần thử nghiệm giai đoạn 2 tại TP HCM, Hà Nội, và đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, do Bệnh viện Thống nhất và Bệnh viện Phổi Trung ương làm đầu mối tiến hành.
Bà Lan cho rằng, điều thuận lợi là công ty sản xuất thuốc molnupiravir có trụ sở tại TP HCM nên không tốn công chuyên chở. Một lợi thế khác là thuốc này do doanh nghiệp tại Việt Nam tự sản xuất nên chủ động, không lâm vào tình trạng "có tiền không mua được" như vaccine. Công ty tại Việt Nam là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi được nhượng quyền sản xuất.
Thuốc nhượng quyền sản xuất nên đòi hỏi có nghiên cứu về lâm sàng, tác dụng phụ. Khi F0 sử dụng, họ được xem như đối tượng nghiên cứu. Khi túi thuốc này được bàn giao cho cơ quan y tế để cấp cho F0 điều trị tại nhà, bệnh nhân phải ký hợp đồng tham gia nghiên cứu, trong đó quy định phải rõ ràng trường hợp nào được sử dụng.
Cụ thể, F0 được dùng molnupiravir là người test nhanh hoặc PCR dương tính, xác định là người mang virus mới sử dụng thuốc diệt virus. F0 18-65 tuổi, triệu chứng nhẹ (sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi), không có dấu hiệu viêm phổi hay thiếu oxy, nhịp thở dưới 20 lần/phút, SpO2 trên 96%.
Người đồng ý tham gia chương trình thử nghiệm sẽ ký cam kết sử dụng thuốc molnupiravir đúng mục đích, đúng hướng dẫn, không chia sẻ thuốc cho người khác, kể cả người thân. F0 không mang thai, không cho con bú trong thời gian sử dụng thuốc và trong 100 ngày kể từ ngày cuối sử dụng thuốc. Nam giới cũng cần áp dụng biện pháp tránh thai trong khoảng thời gian này. Thuốc không dùng cho người suy gan, viêm gan siêu vi cấp, suy thận, viêm tuỵ cấp và mạn.
Về cách dùng 3 túi thuốc, bà Lan cho biết mỗi túi thuốc C sẽ chứa 5 ngày thuốc. Mỗi ngày 4 viên, tổng liều uống là 1.600 mg, chia làm 2 lần uống. Các kết quả nghiên cứu cho thấy sau 5 ngày, bệnh nhân có sự cải thiện rõ rệt, giảm nồng độ virus, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong.
"Nhiều người lầm tưởng rằng uống xong túi A thì uống đến túi B, C là không đúng", bà Lan nhấn mạnh.
Theo đó, túi thuốc A ai cũng nên dùng nếu sốt, cần nâng cao thể trạng (dùng trong 7 ngày). Túi C nếu đủ điều kiện và đã ký hợp đồng thì dùng ngay để giảm nồng độ virus (dùng trong 5 ngày).
Nếu đã dùng túi C nhưng trong quá trình sử dụng lại trở nặng, nhịp thở trên 20 lần một phút, nồng độ SpO2 dưới 95%, suy hô hấp, khó thở, thì phải gọi nhân viên y tế. Trong lúc chờ sự hỗ trợ của nhân viên y tế, bệnh nhân có thể dùng túi B (thuốc kháng viêm và kháng đông).
Lưu ý, túi thuốc B chỉ được dùng tối đa 3 ngày. Túi này phải dùng ngay khi khó thở để giải quyết triệu chứng trước mắt. Trong 3 ngày, cần phải đến bệnh viện để có phương tiện điều trị. Bởi theo bà Lan, khoảng 80-90% F0 triệu chứng nhẹ như cảm cúm, nhưng khi trở nặng thì chuyển rất nhanh, đôi khi trở tay không kịp, nếu không cấp cứu kịp có thể tử vong.
"Nếu dùng thuốc B thì ngưng thuốc C. Không dùng thuốc kháng đông và molnupiravir song song vì như vậy rất nguy hiểm", bà Lan nói.
Theo bà Lan, túi thuốc B có một số loại chống chỉ định như phụ nữ có thai, cho con bú, người viêm loét dạ dày, tá tràng, suy thận, suy gan, bệnh lý dễ gây chảy máu...
Ngày 30/8, hơn 85.200 F0 TP HCM đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà, trong đó hơn 60.500 F0 cách ly tại nhà ngày từ đầu và hơn 24.700 F0 sau xuất viện về tiếp tục theo dõi. Số F0 điều trị tại cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là hơn 22.000 người.