Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đưa ra nhận định trên chiều 10/4. Ông cho biết Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong, song nhiều bệnh nhân diễn biến nặng, rất nặng. Họ đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM.
Trên cả nước, 144 người đã khỏi bệnh, 111 người đang điều trị.
Ở bệnh nhân lớn tuổi, trên 60, tỷ lệ xảy ra diễn biến nặng tương đối cao. Trong số 20 bệnh nhân cao tuổi, 4 người bị suy hô hấp nặng, thở máy.
69 bệnh nhân tuổi từ 40 đến 60, chỉ hai trường hợp phải thở máy. "Bệnh nhân 91", phi công Anh, trong nhóm này, đang được can thiệp ECMO tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM.
Thứ trưởng Sơn cho biết ngoài vấn đề mức độ độc tính của virus, bệnh nhân phi công cao 1,83 m, nặng 100 kg, chỉ số khối cơ thể (BMI) khoảng 30,1, béo phì. Đây có thể là nguyên nhân khiến bệnh nhân diễn biến nặng, phù hợp các nghiên cứu trên thế giới, theo Thứ trưởng Sơn.
"Chúng tôi đánh giá với các bệnh nhân nặng, tiên lượng tử vong vẫn còn", ông Sơn nói.
Bộ Y tế đã tập hợp các bác sĩ giỏi nhất, chuyên gia đầu ngành, hội chẩn, dùng các phương tiện tốt nhất để cứu chữa những bệnh nhân nặng.
Về phương pháp điều trị, Thứ trưởng Sơn cho biết Việt Nam đã triển khai nhanh chóng, ứng dụng các kết quả nghiên cứu và thành tựu từ các nước. Ngoài ra, Việt Nam cũng có những nghiên cứu riêng để áp dụng vào điều trị.
"Chúng ta đã áp dụng các thuốc điều trị HIV, triển khai chloroquine và hydroxy chloroquine, kể cả thuốc mới trị giun sán cũng đã sử dụng", ông Sơn nói.
Việt Nam cũng đang nghiên cứu một số thuốc khác. Các nhà khoa học, cơ quan chuyên môn hiến kế về một số loại thuốc cả đông y và tây y, "đang trong giai đoạn xem xét và áp dụng", theo Thứ trưởng Sơn.
Bộ Y tế cũng giao các bệnh viện hàng đầu về bệnh nhiễm và huyết học nghiên cứu tách chiết huyết tương từ người khỏi, để điều trị cho các bệnh nhân nặng theo phác đồ được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo.
Tại sao bệnh nhân phi công Anh diễn tiến nặng?
Việt Nam sẽ tách huyết tương người khỏi để điều trị bệnh nhân nặng