Thứ trưởng Sơn cho biết, khi TP HCM đang thực hiện siết chặt giãn cách, xác lập trạng thái mới trong vòng một tháng từ 15/8 đến 15/9, chiến lược xét nghiệm để phát hiện bằng được F0 là hết sức quan trọng. Điều này đòi hỏi các địa phương phải tổ chức một lượng xét nghiệm rất lớn, chuẩn bị các bộ sinh phẩm test kit, hệ thống để xét nghiệm RT-PCR.
"Tổ chức cho người dân lấy mẫu tại nhà hoặc tự lấy mẫu ở nhà là rất quan trọng, giúp giảm nguồn lực y tế, chỉ cần đội ngũ giám sát và tình nguyện viên để hỗ trợ cho người dân", ông Sơn nói.
Trước, một số nơi đã xảy ra tình trạng lây nhiễm trong khi lấy mẫu do chưa đảm bảo điều kiện sát khuẩn, theo Thứ trưởng. Do đó, người dân tự lấy mẫu sẽ đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện test diện rộng.
Thứ trưởng Sơn kỳ vọng sự tham gia tự nguyện của người dân, với sự theo dõi, giám sát hỗ trợ của ngành y tế, sẽ đảm bảo về mặt kỹ thuật và số lượng lấy mẫu sẽ tăng lên nhiều lần so với trước đây.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết địa phương đang xét nghiệm diện rộng toàn bộ khu vực có nguy cơ cao và rất cao, mục tiêu nhanh chóng tìm được các F0 còn trong cộng đồng. Tùy tình trạng triệu chứng, F0 được đưa đi thu dung điều trị hoặc cách ly tại nhà và có hướng dẫn y tế phù hợp.
"Hy vọng chiến dịch xét nghiệm lần này sẽ bóc tách một lần nữa các F0 tại cộng đồng và qua đó hạn chế được lây lan", ông Tùng chia sẻ. Khi kết quả test nhanh ghi nhận dương tính, nhân viên y tế sẽ tiếp tục xét nghiệm PCR để khẳng định, dựa vào kết quả sẽ có hướng giải quyết phù hợp.
Nhiều quận, huyện ở TP HCM bắt đầu thí điểm cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên (test nhanh) Covid-19 tại nhà, từ chiều 22/8.
Hướng dẫn tự lấy mẫu test nhanh Covid-19 tại nhà
Từ ngày 23 đến 25/8, TP HCM triển khai xét nghiệm cộng đồng cho toàn bộ người dân. Trong đó, tại các tổ dân phố, tổ nhân dân có mức nguy cơ cao (vùng cam) và vùng nguy cơ rất cao (vùng đỏ), việc test nhanh sẽ do người dân tự thực hiện theo từng hộ gia đình, dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế. Sau ngày 25/8, ngành y tế đánh giá lại mức độ nguy cơ của các tổ dân phố, tổ nhân dân.
Ngay khi có kết quả xét nghiệm, F0 sẽ được quản lý và chăm sóc sức khỏe bởi cơ sở y tế địa phương. Nhân viên y tế đến tận nhà để thăm khám và cung cấp gói thuốc điều trị, cho F0 uống ngay liều thuốc kháng virus và thuốc kháng đông, kháng viêm nếu có cảm giác khó thở hoặc SpO2 (nồng độ oxy mao mạch) dưới 95%. F0 cũng được sàng lọc điều kiện cách ly tại nhà, trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì cách ly tập trung ở các cơ sở cách ly của phường, xã hoặc quận, huyện.
Trong tờ trình gửi UBND TP HCM ngày 18/8, Sở Y tế TP HCM cho rằng số ca F0 hiện tại và dự kiến trong một tháng của thành phố là hơn 182.000, cần được cung cấp số túi thuốc tương ứng. Ước tính kinh phí mua gần 54 tỷ đồng, với giá hơn 295.000 đồng một túi thuốc.
Tính đến ngày 24/8, thành phố ghi nhận 41.955 F0 cách ly, theo dõi tại nhà. Trong đó, 21.093 F0 cách ly tại nhà ngày từ đầu và 20.862 F0 sau xuất viện về tiếp tục theo dõi, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM.
Các bệnh viện thành phố đang điều trị 36.029 F0, trong đó 2.243 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.563 bệnh nhân nặng đang thở máy và 20 bệnh nhân can thiệp ECMO. Thành phố ghi nhận 340 trường hợp tử vong trong ngày 23/8.