Tại cuộc họp báo Chính phủ cuối ngày 5/5, Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết bộ này đã kiến nghị Chính phủ ba bước điều hành giúp kinh tế phục hồi.
Đầu tiên, khi ưu tiên chống dịch, kinh tế vẫn ở trạng thái cầm cự để giảm thiểu tối đa thiệt hại do đại dịch gây nên. Đây cũng là bước đệm tạo điều kiện cho kinh tế phục hồi tốt hơn sau này.
Sau đó, khi dịch dần được đẩy lùi, sẽ duy trì sản xuất ở mức cầm cự và mở lại dần các hoạt động kinh tế tập trung vào thị trường nội địa. Còn thị trường nước ngoài, nguy cơ dịch vẫn còn nên "chưa thể mở cửa như trước khi nền kinh tế có độ mở lớn, vẫn cần chống dịch kết hợp khôi phục hoạt động sản xuất, dịch vụ".
Theo ông Phương, hiện Việt Nam ở giai đoạn này. Nghĩa là phát triển kinh tế trong "trạng thái bình thường mới" khi Covid-19 vẫn tồn tại, mỗi chính sách đưa ra phải đạt tới mục tiêu kép "phòng dịch và phát triển kinh tế". Khi tình hình dịch bệnh chuyển biến tốt, Chính phủ nới dần các quy định về phòng chống dịch, các ngành sẽ mở lại hoạt động bình thường.
Cuối cùng là "trạng thái tương lai" khi Covid-19 hoàn toàn được đẩy lùi trên toàn cầu. Với đánh giá quốc gia nào kết thúc dịch trước, nền kinh tế sẽ khôi phục càng sớm, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết sẽ xây dựng kịch bản giai đoạn này theo hướng, chú trọng nắm bắt cơ hội thúc đẩy kinh tế trong nước song song với thay đổi cơ cấu kinh tế, tập trung vào từng doanh nghiệp, sản phẩm.
"Cơ hội" ông đề cập, là sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư của các tập đoàn kinh tế đa quốc gia khi họ đa dạng hoá chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc vào một thị trường. Dự báo của các tổ chức quốc tế cho thấy, khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, sẽ là trọng tâm của sự dịch chuyển này.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Mai Tiến Dũng nói thêm, làn sóng dịch chuyển sản xuất chuỗi cung ứng vừa là thách thức, cũng là cơ hội của Việt Nam. "Việt Nam phải chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để đón làn sóng dịch chuyển mới" khi Covid-19 qua đi.
Chia sẻ quan điểm trước đó về tái khởi động nền kinh tế hậu Covid-19, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Việt Nam đang có cơ hội bước ra khỏi đà suy giảm kinh tế xuất phát từ đại dịch sớm hơn so với nhiều nền kinh tế khác. Việc sớm mở cửa lại thị trường, trước hết là nội địa, sẽ giúp các doanh nghiệp tái khởi động mà trong nhiều trường hợp không cần đến các "máy trợ thở" về tài chính. "Nới lỏng giãn cách xã hội là gói kích thích kinh tế lớn nhất. Đây cũng là cơ hội vàng để đất nước phát triển trong trạng thái bình thường mới", ông nhận xét.
Nguyễn Hoài