Theo tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF), không có gì ngạc nhiên khi tồn tại một thị trường vui chơi giải trí của nước ngoài ở Triều Tiên, nơi bị coi là "hố đen thông tin".
"Những thú tiêu khiển phổ biến nhất ở Triều Tiên lại là một trong những bí mật công khai lớn nhất của họ", James Pearson, đồng tác giả cuốn Bí mật Triều Tiên cho hay. "Đa số người Triều Tiên đều bí mật xem các chương trình truyền thông nước ngoài, đặc biệt là phim ảnh Hàn Quốc. Đó là những biện pháp thoát khỏi áp lực cuộc sống thường nhật của cả người dân Triều Tiên và Hàn Quốc, có khác chăng là ở Triều Tiên, họ làm chúng một cách lén lút".
Tuy nhiên, không phải mọi hình thức giải trí đều phải hưởng thụ giấu giếm. Thực tế, với những công dân giàu có nhất ở Triều Tiên, khái niệm về thời gian rảnh đang thay đổi.
Theo một báo cáo của Viện phát triển Hàn Quốc, Triều Tiên đang bùng nổ làn sóng xây dựng các trung tâm thương mại, thể thao và văn hóa. Báo cáo lưu ý rằng người Triều Tiên sống ở Bình Nhưỡng đang có nhiều lựa chọn hơn trong việc tiêu khiển.
Curtis Melvin, một nghiên cứu viên dành nhiều năm quan sát các ảnh vệ tinh chụp Triều Tiên và đánh dấu công trường xây dựng cho hay quốc gia này đã xây nhiều công viên nước mới, thậm chí là bể nuôi cá heo.
"Theo dõi qua ảnh vệ tinh có lẽ là cách tốt nhất để quan sát sự thay đổi của Triều Tiên, bởi người nước ngoài không được phép tiếp cận nhiều nơi ở quốc gia này", Melvin nói. "Cách làm này cho phép chúng ta theo dõi sự thay đổi của chợ búa, giao thông, cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo. Chúng ta nhìn thấy và tính toán được những thứ này, điều mà cách đây một thập niên là chuyện bất khả thi".
Công nghệ mới cho phép Melvin có cái nhìn sâu sắc hơn về sự thay đổi trong cuộc sống người Triều Tiên. Theo ông, nhìn từ bên ngoài, chúng đem lại nhiều niềm vui hơn cho người dân quốc gia này.
"Từ khi Kim Jong-un tiếp nhận quyền lãnh đạo sau khi cha qua đời cuối năm 2011, ông ấy đã khởi xuống nhiều dự án xây dựng làm thay đổi đáng kể bộ mặt Bình Nhưỡng", Melvin nhận xét. "Ông ấy tập trung vào các dự án nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân, chẳng hạn như dự án nhà ở mới, khu vui chơi cá heo, trung tâm mua sắm, trung tâm thể dục thể thao, công viên, viện bảo tàng, công viên nước, rạp chiếu phim 3D và khu trượt tuyết. Một số dự án kiểu này đang được triển khai ở thủ phủ các tỉnh và những đô thị đặc biệt".
Một số nhà phân tích nhận định chính quyền Kim Jong-un quyết định xây dựng thêm các trung tâm giải trí một phần vì lòng hư vinh.
"Một phần do muốn hiện đại hóa Bình Nhưỡng, biến nó thành trung tâm triển lãm của thế kỷ 21", Andray Abrahamian, một học giả thỉnh giảng ở Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại đại học California, Mỹ, nói. "Lao công miễn phí do quân đội thực hiện, vật liệu có nguồn gốc nội địa, vì vậy chi phí xây dựng rất thấp", ông nhận xét.
Dù ngành công nghiệp giải trí đang bùng nổ có vẻ tích cực nhưng chỉ một số ít người có đặc quyền mới được hưởng lợi.
Một thế giới khác
Jayden bị choáng ngợp khi lần đầu sử dụng Internet. Anh là một người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc 5 năm trước. Chỉ một số ít người Triều Tiên đào tẩu thành công và số này được hưởng nhiều đặc quyền dành riêng cho cộng đồng thiểu số.
Anh vừa hoàn thành một khóa tiếng Anh ở Australia, nơi Jayden khám phá ra YouTube và một loạt trang tin tức trực tuyến. Đó là trải nghiệm mới mẻ bởi ở Triều Tiên, người dân bị hạn chế truy cập vào các phương tiện truyền thông nước ngoài. Khi còn ở Triều Tiên, Jayden đã cố vượt qua những công cụ ngăn chặn Internet của chính quyền.
"Thời gian rảnh tôi hay đá bóng, chơi game máy tính hoặc xem phim", anh nói. "Dù bị hạn chế, nhiều phim và game bị cấm nhưng tôi vẫn chơi và xem được".
Khoảng cách bất bình đẳng thu nhập ở Triều Tiên rất lớn, nơi nền kinh tế chủ yếu dùng để hỗ trợ cho quân đội. Điều này nghĩa là các dự án như công viên nước, trung tâm thể thao, rạp chiếu phim 3D chỉ dành cho nhà giàu hưởng thụ, mà đa phần người có thu nhập cao đều ở thành thị.
Theo Abrahamian, những trò giải trí ở Bình Nhưỡng chỉ dành cho người có điều kiện: "Nếu bạn có đặc quyền, bạn có thể chơi quần vợt, học yoga, ăn cơm tiệm, thậm chí là cơm Nhật, cơm Ý, hay thưởng thức cappucino tại quán cà phê. Nói cách khác, được ban đặc quyền ở Bình Nhưỡng cũng giống như sống cuộc đời trung lưu ở một nước giàu có".
"Tầng lớp trung lưu mới có tiền, thích mua sắm, đã thúc đẩy nhiều nhà hàng, quán bar, thậm chí là quán cà phê mọc lên ở những vùng nông thôn hay thị xã mà trước đây rất ít những hàng quán thế này", James Pearson nói.
Tuy nhiên, chất lượng sống giữa khu vực thành thị và nông thôn vẫn khác biệt rất lớn.
"Người dân ở ngoài Bình Nhưỡng sống trong một thế giới khác hẳn", Pearson nhận xét. "Họ làm việc vất vả để kiếm sống trong điều kiện vật chất thiếu thốn. Nông dân vẫn phải sản xuất đủ hạn mức. Nhiều người không được tiếp cận với điện nước. Tiêu chuẩn sống của họ thấp hơn nhiều so với người dân thủ đô".
Còn Jayden, khi anh nhớ lại thời gian ở Triều Tiên, sự phân biệt giàu nghèo này hiện lên rõ ràng.
"Một số người nay ăn nhà hàng, mai đi du lịch, nhưng đa số sống trong cảnh chạy vạy từng bữa ăn. Tôi đã gặp nhiều người ở mọi địa vị xã hội và nhận thấy khoảng cách giàu nghèo rất nghiêm trọng".
Điều này có nghĩa là những thú tiêu khiển xa xỉ chỉ dành cho người dân giàu có ở Bình Nhưỡng. Với những người sống ở nơi khác, họ không có thời gian và tiền bạc để mắt tới các tiện nghi như rạp chiếu phim, khu nghỉ dưỡng trượt tuyết.
Hồng Hạnh