Giải marathon quốc tế Mangyongdae tại Bình Nhưỡng là sự kiện được tổ chức thường niên, nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm ngày sinh cố lãnh đạo Kim Nhật Thành. Năm nay, chỉ có 429 người nước ngoài tham gia vào cuộc đua hôm 8/4, ít hơn so với con số 1.000 người năm 2017, theo BBC.
Vào thời kỳ đỉnh cao, hơn 5.000 khách phương Tây đã tới Triều Tiên dự sự kiện này, trong đó 20% là người Mỹ. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ năm ngoái cấm công dân tới Triều Tiên sau cái chết của Otto Warmbier, sinh viên đại học bị bắt giữ ở Triều Tiên 17 tháng sau khi tới nước này du lịch. Warmbier được trả về Mỹ vào tháng 6/2017 trong tình trạng hôn mê và qua đời ít lâu sau.
Cuộc đua bắt đầu từ tượng đài ông Kim Nhật Thành, sau đó người chạy lần lượt đi qua những khu vực mang tính biểu tượng ở thủ đô Bình Nhưỡng như quảng trường Kim Nhật Thành và khu đô thị mới Mirae Street.
Công dân Triều Tiên Ri Kang-bom về nhất trong nội dung đường trường nam với thành tích hai giờ 12 phút 53 giây.
"Tôi rất vui vì đã hoàn thành kỳ vọng của mọi người", Ri nói. Các vận động viên chạy chuyên nghiệp, bao gồm 13 đối thủ của Ri từ những nước châu Phi, đã tham gia thi đấu hạng mục này.
Một công dân Triều Tiên khác là Kim Hye-gyong đã về nhất trong nội dung đường trường nữ với thành tích hai giờ 27 phút 24 giây. Về sau cô là chị gái song sinh Kim Hye-song.
Bình Nhưỡng bắt đầu cho phép các vận động viên nước ngoài tham gia giải chạy này từ năm 2014. Sự kiện này đã thúc đẩy ngành du lịch Triều Tiên. Căng thẳng giữ Mỹ và Triều Tiên dường như đã ảnh hưởng tới quyết định của những người tham gia, nhưng các động thái mới của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ sau Thế vận hội Mùa đông ở Hàn Quốc hồi tháng hai, dường như đã xua tan nỗi sợ của những người muốn tới Triều Tiên.
Các công ty lữ hành cho biết xu hướng tới Triều Tiên du lịch bắt đầu quay lại. Theo Matt Kulesza, nhân viên của Young Pioneer Tours, đơn vị đã đưa Otto Warmbier tới Triều Tiên, dù lượng khách tới trong sự kiện marathon giảm so với năm ngoái, tổng số khách cả năm 2018 vẫn sẽ đạt mục tiêu.
"Những động thái tích cực gần đây của Triều Tiên trên các phương tiện truyền thông là làm biến mất ấn tượng về một đất nước nguy hiểm và bí ẩn", Kulesza nói.
Tuy nhiên, Callum McCulloch, 23 tuổi, một sinh viên người Anh tham gia nội dung bán đường trường cho biết bản thân đến Triều Tiên bất chấp lời khuyên từ chính phủ, vì muốn tìm kiếm cảm giác mạnh.
"Bình Nhưỡng giống như một bộ phim bí ẩn khó cưỡng. Nếu có người bảo ta chớ đi, chớ làm, ta lại càng muốn đến đó hơn", McCulloch nói.
Hồng Hạnh