Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua tuyên bố tái cấu trúc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) thành một lực lượng chiến đấu tinh gọn hơn, cải thiện khả năng tác chiến hiệp đồng để trở thành quân đội "đẳng cấp thế giới". Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng quá trình này sẽ không hề dễ dàng trước những lực cản hiện nay trong lực lượng vũ trang Trung Quốc, theo StraitsTimes.
Trong cuộc cải tổ lần này, quân đội Trung Quốc được xây dựng thành 84 quân đoàn hỗn hợp hoàn toàn mới, đặt dưới sự lãnh đạo của 15 cơ quan trực thuộc Quân ủy Trung ương do ông Tập làm Chủ tịch. Các quân đoàn này lấy quân từ những đơn vị hải, lục, không quân hiện nay, với chỉ huy giữ cấp bậc quân hàm cao nhất là thiếu tướng và chuẩn đô đốc, theo China Daily.
Theo giới phân tích, động thái này được xem là giai đoạn tiếp theo trong cuộc cải tổ quân đội đầy tham vọng kéo dài nhiều năm do ông Tập phát động, hướng tới mục tiêu xây dựng các năng lực tác chiến mới cho PLA, trong đó có khả năng tác chiến mạng, tác chiến điện tử và chiến tranh thông tin. Việc xây dựng PLA thành 84 quân đoàn tinh gọn hơn cũng là giải pháp thực hiện chính sách cắt giảm 300.000 quân nhân được ông Tập đưa ra hồi năm ngoái.
Cuộc cải tổ hướng tới mục tiêu xây dựng cấu trúc chỉ huy theo mô hình tác chiến liên quân vào năm 2020, xóa bỏ hoàn toàn mô hình quân khu đã tồn tại từ lâu, đồng thời cắt giảm đáng kể số lượng quân nhân không thực hiện vai trò chiến đấu.
Tuy nhiên, PLA không công bố thông tin chi tiết về cuộc cải tổ, nên các nhà phân tích quân sự quốc tế vẫn chưa thể đoán trước được tác động của nó tới khả năng chiến đấu của quân đội Trung Quốc trong tương lai.
Tiến sĩ Richard Bitzinger thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho rằng việc ông Tập cho thành lập 84 quân đoàn mới có ý nghĩa rất quan trọng, bởi nó góp phần phá vỡ mô hình cồng kềnh kiểu cũ của PLA, biến nó thành những đơn vị tinh gọn hơn có khả năng độc lập tác chiến.
"Đó là những đơn vị đủ nhỏ gọn để có thể di chuyển một cách dễ dàng và hoạt động cũng rất linh hoạt", tiến sĩ Bitzinger nói.
Giới quan sát cho rằng đây là mô hình mà Trung Quốc bắt chước theo cấu trúc chỉ huy của quân đội Mỹ. Theo tiến sĩ Bitzinger, nếu được xây dựng theo hệ thống tổ chức quân đội Mỹ, các quân đoàn của PLA nhiều khả năng sẽ được trang bị các khí tài cần thiết để có thể độc lập tác chiến, chẳng hạn như có các đơn vị tình báo, pháo binh, công binh riêng.
Lực lượng Tên lửa Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật
Tuy nhiên, Bitzinger cảnh báo rằng quân đội Mỹ đã phải mất rất nhiều thời gian, trải qua nhiều thử thách thực chiến trên chiến trường mới xây dựng được cấu trúc chỉ huy được coi là hiệu quả như hiện nay. Bởi vậy, những thay đổi lớn được áp dụng với PLA có thể sẽ phải nhiều năm nữa mới được thực hiện một cách hiệu quả.
Chiến dịch 'khó nhằn'
Các chuyên gia của Stratfor cũng gọi đây là một chiến dịch "khó nhằn" đối với ông Tập, dù kế hoạch cải tổ PLA của ông đã đạt được những tiến bộ bước đầu.
Các chuyên gia này cho rằng việc cải cách cấu trúc quân đội chưa bao giờ là dễ dàng với bất cứ đội quân nào trên thế giới, đặc biệt là với những lực lượng đông đảo như PLA. Quân đội Trung Quốc trong hàng chục năm qua được xây dựng theo mô hình quân khu, sư đoàn và các đơn vị nhỏ hơn, cùng với hệ thống chỉ huy tương ứng.
Khi xây dựng theo mô hình 84 quân đoàn độc lập, PLA sẽ phải xây dựng lại cấu trúc chỉ huy mà họ chưa từng áp dụng. Điều này có thể gây ra những xáo trộn lớn trong đội ngũ sĩ quan chỉ huy, cũng như ảnh hưởng đến khả năng phối hợp giữa các lực lượng khác nhau trong một đơn vị.
Chiến dịch cải cách và hiện đại hóa cũng sẽ đẩy nhiều quân nhân, thậm chí là cả quân chủng của lực lượng vũ trang, vào tình thế bất lợi. Có những quân chủng sẽ đánh mất vị thế độc tôn truyền thống, trong khi nhiều binh sĩ mất việc, buộc phải về hưu non.
Khi xây dựng các quân đoàn hỗn hợp, PLA tất yếu sẽ phải đưa hải quân và không quân lên ngang tầm với lục quân, quân chủng vốn được coi là "anh cả" trong quân đội. Quân đoàn Pháo binh số Hai thuộc quyền chỉ huy của Bộ Tổng tham mưu năm ngoái đã được nâng cấp thành Lực lượng Pháo binh tương đương quân chủng, trong khi Bộ Tổng tham mưu và ba tổng cục khác cũng bị giải thể để xây dựng 15 cơ quan trực thuộc Quân ủy Trung ương.
Với việc tuyên bố thực hiện giai đoạn hai của cuộc cải tổ, ông Tập dường như muốn khẳng định rằng kế hoạch của mình vẫn đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, những vấn đề lớn nảy sinh trong quá trình thực hiện có thể trì hoãn, thậm chí là chấm dứt cuộc cải tổ đầy tham vọng.
Sự phản đối từ các tướng lĩnh lục quân bị mất đặc quyền cùng nỗi bất mãn từ 300.000 quân nhân mất việc có thể là nguy cơ mà Bắc Kinh phải đối mặt khi tiến hành cuộc cải tổ của ông Tập. Những cuộc tụ tập đòi quyền lợi của các cựu binh ở thủ đô Bắc Kinh đã gia tăng trong năm qua và có thể trở nên phức tạp hơn khi có thêm 300.000 quân nhân mất việc.
Đây cũng sẽ là lực lượng gây áp lực đáng kể đến khả năng giải quyết công ăn việc làm ở các địa phương nơi họ trở về sau khi giải ngũ. Hậu quả của vấn đề sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn trong trường hợp Trung Quốc trải qua giai đoạn suy thoái kinh tế sau thời kỳ tăng trưởng nóng, theo Stratfor.
Với những thử thách này, ông Tập buộc phải gia tăng quyền lực và ảnh hưởng của mình đối với quân đội, nhằm giảm thiểu những rủi ro có thể phát sinh trong quá trình cải tổ. Để làm được điều đó, ông phải đặt các đơn vị mới thành lập dưới sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, yêu cầu các tướng lĩnh, sĩ quan, binh sĩ trung thành tuyệt đối với đảng Cộng sản Trung Quốc. "Đó là lý do ông Tập nhiều lần kêu gọi quân đội chấp hành kỷ luật chính trị, đi theo đường lối chính trị đúng đắn", các chuyên gia Stratfor nhận định.
Trí Dũng