Với những tín đồ thực sự của tiền điện tử, Bitcoin là kho lưu trữ giá trị cuối cùng, là hàng rào vững chắc nhất chống lại rủi ro lạm phát. Với những người hoài nghi, toàn bộ thế giới tiền số là một "ảo ảnh", mà ở đó, quy mô vốn hóa 2.000 tỷ USD chỉ đơn giản là một sản phẩm của dòng tiền đầu cơ, khi tiền rẻ bùng phát trong nền kinh tế toàn cầu.
Cả hai lý thuyết này đều sắp phải đối mặt với thử thách lớn nhất, là dòng tiền rẻ đang bị thắt chặt.
Bitcoin, tiền mã hoá đầu tiên, đã xuất hiện cách đây hơn một thập kỷ từ đống tro tàn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đồng tiền này được xây dựng như một biện pháp nhằm tránh xa sự kiểm soát của các ngân hàng và cơ quan chính phủ. Bitcoin dần dần đạt được một lượng theo dõi, truyền cảm hứng cho những nhà đầu tư và chịu những đợt sóng biến động. Phải đến cuộc khủng hoảng lớn tiếp theo, đại dịch Covid-19, thị trường này mới thực sự khởi sắc.
Tiền số bùng nổ sau tháng 3/2020, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tung ra các biện pháp kích thích trị giá hàng nghìn tỷ đôla để giảm bớt ảnh hưởng của đại dịch tới kinh tế. Một lượng lớn trong các gói hỗ trợ này được chuyển đến tài sản kỹ thuật số. Bitcoin đã tăng hơn 300% vào năm 2020 và ghi nhận thêm 60% vào năm sau, đạt mức kỷ lục gần 69.000 USD vào đầu tháng 11.
Tuy nhiên, kể từ đó, nó đã trượt dốc không ngừng, phần lớn bởi lo ngại về sự xoay trục theo hướng "diều hâu" của ngân hàng trung ương. Với tỷ lệ cược đang tăng lên rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ bắt đầu các đợt tăng lãi suất ngay sau tháng 3, câu hỏi đặt ra là liệu hệ sinh thái tiền số có thể duy trì được mức định giá hiện tại khi xu hướng tiền rẻ kết thúc.
Cho đến nay, mọi việc có vẻ không ổn. Bitcoin đã giảm khoảng 40% so với mức đỉnh vào tháng 11, trong khi Ethereum và các Altcoin khác cũng bị sụt giảm nghiêm trọng.
"Kỷ nguyên lãi suất thấp sắp qua đi, chúng ta sẽ thực sự xem mọi người tin tưởng vào tiền kỹ thuật số thế nào", Stephane Ouellette, giám đốc điều hành và đồng sáng lập của nền tảng tiền điện tử FRNT Financial, cho biết. "Tôi cho rằng Fed ngày càng trở nên 'diều hâu' hơn và đây là điều rất xấu cho việc định giá".
Michael O’Rourke, trưởng chiến lược gia thị trường tại JonesTrading, cũng đồng tình. Ông nói việc nâng lãi suất và có khả năng thu hẹp bảng cân đối kế toán của Fed sẽ tác động trực tiếp đến động lực tăng giá trong hai năm gần đây của Bitcoin và nhiều loại tiền điện tử khác.
Trong phần lớn lịch sử 13 năm từ khi hình thành, Bitcoin đã được hưởng một môi trường chính sách tiền tệ nới lỏng và lãi suất bằng 0 hoặc âm. Theo David Tawil, chủ tịch của quỹ phòng hộ tiền điện tử ProChain Capital, mặc dù không có "đường thẳng" từ việc nới lỏng chính sách của Fed đến các lệnh mua Bitcoin trên các sàn giao dịch, nhưng rõ ràng có một mối liên hệ.
Thứ nhất, việc Fed mua bất kỳ loại tài sản nào cũng có thể ảnh hưởng tới thị trường và nâng giá các tài sản. Thứ hai, với lãi suất ở mức thấp, các nhà đầu tư buộc phải lùng sục để tìm kiếm các cơ hội sinh lời cao hơn và nhiều người đã chuyển sang tiền điện tử do nó có khả năng thu được lợi nhuận vượt trội.
Vậy điều gì sẽ xảy ra khi các điều kiện này ngày càng eo hẹp? "Mọi thứ sẽ diễn ra trái ngược với những gì đã xảy ra khi họ bỏ tiền vào", Tawil nói. "Đó là lý do bạn phải có phản ứng ngay lập tức, bởi vì mọi người đều dự đoán về rủi ro".
Lần cuối cùng Fed tăng lãi suất là vào tháng 12/2018. Vào thời điểm đó, Bitcoin được giao dịch ở mức khoảng 3.700 USD và các khái niệm như "tài chính phi tập trung" hay "NFT" vẫn còn chưa phổ biến. Và hiện tại, sau khi Bitcoin mất hơn 40% trong hai tháng qua, cùng trùng với diễn biến cách đây ba năm khi thị trường đứng trước một giai đoạn tăng lãi suất, đi cùng với sự sụt giảm của chứng khoán Mỹ.
"Diến biến đó đang lặp lại một lần nữa, với việc Bitcoin và các cổ phiếu có giá trị cao giảm giá trước một vòng thắt chặt mới của Fed", Peter Boockvar, giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group, cho biết.
Minh Sơn (theo Bloomberg)