Thử thách trên được thực hiện bởi nữ phóng viên Shoko Tamaki của nhật báo Asahi Shimbun, chỉ áp dụng với nhựa một lần. Bởi thực tế, nhựa là cấu phần quan trọng của phần lớn thiết bị gia đình, từ đồ gia dụng, máy tính, điện thoại và các sản phẩm phổ biến khác.
Năm 2023, Nhật Bản cùng các nước trong nhóm G7 cam kết không tăng ô nhiễm nhựa mới trước năm 2040. Nỗ lực giảm nhựa cần sự chung tay từ cộng đồng dân cư, vốn chỉ cần một vài cách thức đơn giản cùng sự thay đổi nhỏ trong tư duy, theo trải nghiệm của Tamaki.
Trong ngày đầu thử thách, Tamaki lên thực đơn, thống kê nguyên liệu cần và dùng túi tái sử dụng để mua sắm. Trải nghiệm này cho cô bài học đầu tiên, rằng hầu hết thực phẩm trong siêu thị đều đóng gói bằng nhựa. Rau bọc trong túi nilon, đậu nành lên men natto cùng đậu phụ được đóng gói bằng hộp, thịt và cá cũng đóng sẵn trong khay.
Không thể mua đúng như thực đơn ban đầu, Tamaki chuyển sang mua trái cây, rau không đóng gói sẵn và cá đóng hộp (lon).

Một người dân bước qua công trình nghệ thuật sắp đặt bên ngoài hội nghị nhựa của Liên Hợp Quốc tại Ottawa, Canada, 23/4/2024. Ảnh: AP
Thay vì chọn siêu thị, Tamaki mang theo hộp đựng cá nhân tới cửa hàng thực phẩm gần nhà. Nhân viên tại đây cắt thịt cho vào túi nilon để lên cân, rồi đặt vào hộp đựng. Tamaki khó can thiệp vào quá trình trên bởi có khách đợi phía sau. Vậy là cô có rác nhựa đầu tiên trong ngày đầu thử thách.
"Uống nước cũng rất thách thức", Tamaki kể. Theo thói quen, cô mang theo chai cá nhân 500ml, nhưng lượng nước này không đủ cho một ngày hoạt động. Văn phòng có trang bị cây nước, nhưng công việc của cô thường ra bên ngoài phỏng vấn.
Do quy tắc của thử thách là không dùng nhựa một lần, cô không thể mua thêm chai nước. Sau cùng, cô quyết định vào một quán cà phê để tiếp nước.
Rác thải nhựa cũng xuất hiện ở những lúc không ngờ tới. Ví như khi nhà hết gạo, Tamaki mở bao gạo mới bọc trong túi nilon. Cô cũng vô tình dùng khăn ướt bọc trong túi tại một nhà hàng khi đi ăn trưa. Những lần tiếp theo, thay vì dùng khăn ướt, cô đến nhà vệ sinh của quán rửa tay trước khi dùng bữa.

Các mặt hàng thực phẩm Shoko Tamaki mua tại cửa hàng bán thịt gia đình. Ảnh: Asahi Shimbun
Trước khi bắt đầu thử thách, Tamaki chủ động tìm một số sản phẩm thay thế cho đồ dùng nhựa. Chẳng hạn, miếng bọt biển rửa chén có thể phân hủy thành những mảnh nhựa nhỏ li ti, nên cô mua một chiếc khăn cotton trên một trang web thương mại điện tử. Rác nhựa tiếp theo được tạo ra từ gói bọc mặt hàng này.
Thay vì dùng túi lọc và sọt đựng rác tam giác nhựa gác trong bồn rửa, Tamaki đổ đồ ăn thừa vào thùng rác tự chế từ báo gấp lại. Chất thải tích tụ trong bộ lọc bồn rửa được thu gom và bỏ bằng tay.
Cô dùng giấy báo chà xát đĩa và nồi dính dầu mỡ, giúp quá trình rửa bát vệ sinh hơn với lượng nhỏ chất tẩy rửa. Hay màng bọc thực phẩm cũng được thay thế bằng vật liệu từ silicon có thể tái sử dụng.
Hai ngày cuối của thử thách, Tamaki không tạo ra bất kỳ rác thải nhựa nào. Sau 5 ngày, cô thải ra 5 rác nhựa, gồm hai túi nilon đựng thịt từ cửa hàng thực phẩm gia đình, túi gạo, túi bọc khăn ướt ở nhà hàng và bao bì do mua khăn trực tuyến. Trong khi trước thử thách, rác nhựa sau phân loại được Tamaki đựng đầy một túi 15 lít.
"Trước thử nghiệm, tôi nghĩ cuộc sống không nhựa dường như là điều không thể. Nhưng thực tế, việc từ bỏ một số nhu cầu thiết yếu từ vật liệu này không gây vấn đề gì", Tamaki nói.

Các công cụ chuẩn bị cho lối sống không nhựa gồm sản phẩm dầu gội đầu dạng rắn, một chiếc khăn rửa chén cotton và một túi lọc thức ăn thừa làm từ báo. Ảnh: Asahi Shimbun
Nhật Bản thải hơn 8 triệu tấn rác nhựa năm 2022, theo chuyên trang thống kê Statista. Gần nửa số này là bao bì và hộp đựng, vốn được người Nhật chuộng bởi hình tượng "vệ sinh". Tính trên đầu người, Nhật Bản là quốc gia phát thải rác nhựa lớn thứ hai, sau Mỹ, theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP).
Cuốn sách "Những ngày thân thiện với môi trường" nêu chi tiết các bước thực hiện để loại bỏ rác thải loại này. Yoko Koga, một trong những tác giả cuốn sách, gợi ý những người mới bắt đầu bảo vệ môi trường có thể thay thế kẹp quần áo nhựa loại thép không gỉ.
Một thói quen dễ thực hiện nữa là dùng xà phòng rắn thay các loại hóa mỹ phẩm dạng lỏng như nước rửa tay, sữa tắm, dầu gội. Xà phòng rắn có thể chấm dứt nhu cầu mua các sản phẩm tẩy rửa dạng lỏng đựng trong chai nhựa với ống bơm (pump). Xà phòng rắn cũng có thể sử dụng lâu hơn và tiết kiệm chi phí.
Tuy nhiên, Koga lưu ý việc cố gắng loại bỏ tất cả vật dụng bằng nhựa khỏi hộ gia đình là vô cùng khó, thậm chí có thể kiệt sức về tinh thần vì lối sống bảo vệ môi trường quá mức.
Lời khuyên đưa ra là "làm những gì có thể trong hoàn cảnh của mình". Một lối sống thân thiện với môi trường cần duy trì trong khả năng, và mọi người có cảm giác tận hưởng khi thực hành. "Cảm thấy mệt mỏi có thể khiến họ ngừng nỗ lực hoàn toàn", Koga nói.
Bảo Bảo (theo Asahi Shimbun)