Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm 12/6 xác nhận nước này thử thành công tên lửa siêu thanh Wu-14 trước đó năm ngày. .Đây là cuộc thử nghiệm lần thứ 4 đối với vũ khí này trong 18 tháng qua. Wu-14 có thể mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân và di chuyển với vận tốc gấp 10 lần vận tốc âm thanh.
Giới quan sát quân sự nhận định tần suất của các cuộc thử nghiệm cho thấy Bắc Kinh đang củng cố khả năng răn đe hạt nhân nhằm phản ứng thái độ của của Washington đối với tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực. Một quan chức tình báo Mỹ gọi vụ thử nghiệm mới nhất là "cuộc thao diễn cực đoan".
Vẫn như mọi lần, Trung Quốc bao biện rằng "hoạt động nghiên cứu và thử nghiệm khoa học theo dự kiến trong lãnh thổ của chúng tôi là bình thường và không nhằm vào bất cứ nước nào, với mục tiêu cụ thể nào". Tuy nhiên, lời giải thích này có vẻ chưa đủ thuyết phục khi cuộc thử nghiệm chỉ diễn ra một ngày trước thời điểm ông Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, thực hiện chuyến công tác đến Mỹ. Sự trùng hợp này khiến dư luận không khỏi nghi ngờ đây lại là một tín hiệu cứng rắn khác mà Bắc Kinh muốn gửi đến Washington cũng như các bên có liên quan trong tranh chấp.
Xung đột quân sự
Ông He Qisong, nhà phân tích từ Đại học Thượng Hải, nhận xét vụ thử nghiệm rõ ràng là một thông điệp chính trị của Trung Quốc nhằm phản ứng lại việc Mỹ hơn hai tuần trước điều phi cơ trinh sát P-8A Poseidon bay trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông.
"Wu-14 được thiết kế để xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Điều này có nghĩa quân đội Trung Quốc thừa khả năng bảo vệ" vùng mà họ cho là lãnh thổ của mình, He nói, liên hệ tới các bãi đá mà Bắc Kinh đang mở rộng phi pháp.
Theo cây bút Sherine Conyers từ trang tin News của Australia, việc Trung Quốc thử thành công tên lửa siêu thanh có thể mang đầu đạn hạt nhân nhiều khả năng sẽ thổi bùng lên ngọn lửa căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington xung quanh vấn đề tranh chấp trên Biển Đông vốn âm ỉ suốt thời gian dài. Nguy cơ xung đột quân sự một lần nữa được đặt lên bàn cân.
Giáo sư Joseph Siracussa, phó trưởng khoa nghiên cứu quốc tế tại Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne, Australia, cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều "sẵn sàng cho một cuộc chiến".
Mặc dù Trung Quốc hiện có mối liên kết kinh tế tương đối khăng khít với nhiều quốc gia trên phạm vi toàn cầu nhưng lý do này chưa đủ sức nặng để khiến Bắc Kinh cân nhắc quyết định từ bỏ trong trường hợp chiến tranh thật sự xảy ra.
"Cuối cùng thì yếu tố kinh tế cũng không mang nhiều ý nghĩa", ông Siracussa, chuyên gia về an ninh và ngoại giao quốc tế, bình luận. "Khi bạn quân sự hóa một vấn đề, bạn sẽ không thể tìm ra giải pháp ngoại giao nào khác cho nó", ông khẳng định.
Tại hội nghị "Tái đánh giá Vị thế Hạt nhân Toàn cầu" diễn ra hồi tháng một, ông Siracussa cho biết đề tài về "cuộc xung đột không thể tránh khỏi" giữa Mỹ và Trung Quốc đang rất nóng, trở thành tâm điểm trong vô số cuộc thảo luận.
Trước vụ thử tên lửa, Trung Quốc cũng đã liên tục phô trương uy lực quân sự, điều chỉnh chính sách quốc phòng, nhấn mạnh sự chú ý vào biển và đại dương. Bắc Kinh còn bị nghi ngờ triển khai vũ khí tới đảo nhân tạo trên Biển Đông. Tất cả những bước đi này cho thấy Trung Quốc không hề có ý định nhượng bộ trong tranh chấp chủ quyền trên biển.
Việc thử thành công loại vũ khí được cho là đủ sức xuyên thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, cường quốc quân sự số một thế giới, đồng thời thông báo công khai về thành tựu này như một lời cảnh báo mà Bắc Kinh gửi tới tất cả các bên liên quan về lập trường không thoái lui của mình.
Chạy đua vũ trang
Theo giáo sư Siracussa, cả thế giới đang dõi theo những bước phát triển quân sự của Trung Quốc. Sự hiện diện của loại tên lửa siêu thanh chiến lược Wu-14 này càng là cái cớ để các quốc gia đẩy mạnh tích trữ vũ khí, đề phòng kịch bản xấu nhất xảy ra.
Giả thiết này được củng cố bởi bản báo cáo thường niên mới nhất về kho vũ khí hạt nhân toàn cầu do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) đưa ra hôm qua. Theo đó, các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân vẫn không ngừng nâng cấp kho dự trữ của mình, bất chấp xu thế hướng tới giải trừ quân bị.
"Những chương trình hiện đại hóa đang được tiến hành ráo riết tại các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân cho thấy không nước nào có ý định từ bỏ chúng trong tương lai gần", chuyên viên nghiên cứu Shannon Kile tại SIPRI để cập Nga và Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc, Pháp và Anh "nếu không phát triển thì cũng triển khai các hệ thống vũ khí hạt nhân mới hoặc thể hiện quyết tâm theo đuổi mục tiêu này".
Với việc cả Washington và Moscow đều đang đẩy mạnh triển khai kế hoạch xoay trục sang châu Á, tương lai Biển Đông chắc chắn sẽ không nằm ngoài vòng xoáy của cuộc chạy đua vũ trang này. Ngoài ra, tên lửa Wu-14 sẽ là quân át chủ bài tạo bước đà để Trung Quốc vươn lên sánh ngang hàng với Mỹ và Nga, xét trên tương quan sức mạnh hạt nhân, theo National Interest.
Washington hiện chưa thừa nhận hay phủ định hoàn toàn những mối đe dọa mà tên lửa siêu thanh Wu-14 có thể gây ra. Theo một số chuyên gia, Wu-14 dường như sẽ mang theo tên lửa diệt hạm khét tiếng DF-21, nhờ đó phạm vi hoạt động của loại tên lửa đạn đạo tầm trung này được mở rộng lên đến trên 3.000 km. Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Franz-Stefan Gady cho rằng Trung Quốc sẽ phải mất tới 20 năm nữa để biến tham vọng này thành hiện thực bởi những trở ngại về công nghệ.
Vũ Hoàng