Vang bóng một thời là tập truyện ngắn, tùy bút của nhà văn Nguyễn Tuân, ban đầu được đăng trên tạp chí Tao Đàn năm 1939, sau đó nhà xuất bản Tân Dân in thành sách. Khi in sách, tuyển tập có nhiều đoạn Pháp kiểm duyệt cắt bỏ, ít thì một hai dòng, nhiều thì vài đoạn. Tác phẩm được tái bản nhiều lần vào các năm 1943, 1945, 1951, 1962, 1988.
Vang bóng một thời gồm các tùy bút, truyện ngắn: Bữa rượu máu, Những chiếc ấm đất, Thả thơ, Đánh thơ, Hương cuội, Ngôi mả cũ, Chữ người tử tù, Ném bút chì, Chén trà trong sương sớm, Một cảnh thu muộn, Báo oán, Trên đỉnh non Tản.
Trong tuyển tập Nhà văn hiện đại, nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan cho rằng: "Tập truyện đã làm sống lại cả một thời phong kiến đã qua với những nghệ thuật cổ thanh cao, những nếp sống, sinh hoạt xã hội nho phong của một nền văn minh xưa cũ. Nó cũng là niềm nuối tiếc của một tâm hồn hoài cổ trước những cái hay, cái đẹp, những nghệ thuật cầu kỳ của một thời đại đã qua, cái thời ấy nay đã chết rồi, chỉ còn để lại một tiếng vang".
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn thì nhận xét: "Nguyễn Tuân, trong Vang bóng một thời, lại phác họa một cách tài hoa nếp sống thanh nhã của người xưa, và cho thấy một đời sống tinh thần vững chãi là cần thiết cho con người đến như thế nào".
Nhà văn Thạch Lam đánh giá, tập Vang bóng một thời như tên gọi, chỉ là những vang bóng, những dấu vết của một thời tác giả ghi lại trên giấy. Khoảng mười truyện ngắn ấy là cuộc đời cũ cách không đầy năm mươi năm, hiện ra những công việc và hành vi mà tác giả tìm tòi, phô diễn hết cả cái ý nghĩa và cái nên thơ.
Câu 2: Trong truyện "Chữ người tử tù", nhân vật Huấn Cao được lấy nguyên mẫu hình tượng nào?