Truyền thông Nhật Bản mới đây đưa tin Triều Tiên đã thay một loạt vị trí chủ chốt trong quân đội trước khi lãnh đạo Kim Jong-un lên đường tới Singapore tham dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây được coi là động thái nhằm ngăn ngừa một cuộc đảo chính khi Kim Jong-un rời khỏi Triều Tiên trong nhiều ngày.
Theo giới quan sát, sự việc này phần nào cho thấy sự phức tạp trong việc xử lý vấn đề nội bộ chính trị và chính sách đối ngoại đối với chính quyền Kim Jong-un. Rõ ràng sự ủng hộ của quân đội là điều cần thiết đối với bất kỳ kế hoạch nào của Bình Nhưỡng, đặc biệt là về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo sẽ được thảo luận trong cuộc gặp Trump - Kim, theo Reuters.
Hội nghị thượng đỉnh Hàn - Triều ngày 27/4 cho thấy các lãnh đạo quân đội ủng hộ những nỗ lực ngoại giao mới của Kim Jong-un. Không có chuyên gia kinh tế nào trong phái đoàn Triều Tiên dự sự kiện, nhưng ba trong số đó là các quan chức quân sự hàng đầu: tướng Pak Yong-sik, Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Triều Tiên, tướng Ri Myong-su, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Triều Tiên và cựu tướng tình báo Kim Yong-chol, người được cho là đứng sau vụ Triều Tiên dùng ngư lôi tấn công tàu hải quân Hàn Quốc năm 2010.
Hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2000 và 2007 đều không có quan chức quân sự trong danh sách phái đoàn chính thức. Trong khi đó, tại cuộc họp hồi tháng 4, các tướng Triều Tiên mặc quân phục, đeo huy chương và giơ tay chào kiểu nhà binh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Sự xuất hiện của họ trong sự kiện này dường như phát đi thông điệp rằng nỗ lực ngoại giao của lãnh đạo Kim Jong-un với Hàn Quốc nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của quân đội Triều Tiên, Katharine H.S. Moon, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Wellesley, nói.
Tuy nhiên, việc các tướng cấp cao nhất ủng hộ Kim Jong-un không đồng nghĩa với việc các cấp dưới của họ cũng vậy. Một báo cáo năm 2016 của Bộ Thống nhất Hàn Quốc đánh giá rằng quân đội Triều Tiên có thể muốn theo đuổi một "chính phủ quân sự" hoặc can thiệp để định hình lại nền kinh tế đất nước. Tháng 2/2018, Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc thông báo với quốc hội nước này rằng "có bất mãn trong nội bộ quân đội Triều Tiên".
Cho Han-bum, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc, cho biết các quan chức theo đường lối cứng rắn trong quân đội Triều Tiên có thể bực bội trước thực tế Kim Jong-un có thể từ bỏ chương trình hạt nhân sau nhiều năm Triều Tiên "thắt lưng buộc bụng" vì nó.
Người Triều Tiên vốn coi vũ khí hạt nhân là "bảo kiếm hộ quốc", là niềm tự hào dân tộc để chống lại nguy cơ xâm lược từ nước ngoài. Với gần 6,5 triệu thành viên lực lượng vũ trang, trong đó có một triệu lính thường trực, việc duy trì kỷ luật và lòng trung thành của quân đội là chìa khóa để giúp Kim Jong-un duy trì quyền lực trong nước và tiếp tục chính sách đối ngoại.
Hồi tháng 4/2018, tại một cuộc họp của các quan chức hàng đầu đảng Lao động Triều Tiên, Kim Jong-un đã chính thức chấm dứt chiến lược byungjin (kinh tế - quốc phòng cùng tiến) để ưu tiên phát triển kinh tế và khoa học.
Kim Jong-un từng ca ngợi các nhà khoa học hạt nhân của Bình Nhưỡng là anh hùng, thậm chí còn xây dựng một khu nhà cho riêng họ tại Bình Nhưỡng vào năm 2015. Trong các bài phát biểu, ông cũng khen ngợi các nhà khoa học quốc phòng và công nhân.
Bởi vậy, nếu Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, các nhà khoa học có thể cảm thấy thất vọng. Khi Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân từ năm 1994, nhà máy tên lửa khổng lồ của họ, Yuzhmash, đã mất hàng nghìn công nhân. Nhiều người đã đến Triều Tiên, Iran và Pakistan để làm việc trong ngành công nghiệp hạt nhân, một số trộm cắp và bán các bộ phận tên lửa bất hợp pháp.
Theo giáo sư Moon, chính quyền Triều Tiên đã rất tích cực cung cấp cho người dân thông tin về cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều. Truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin đậm về sự kiện, trái ngược với những mô tả mơ hồ khi đưa tin về hội nghị năm 2000 và 2007 trước đây. Nhìn chung, họ thúc đẩy cách diễn giải lạc quan về quan hệ Hàn - Triều và đặt các áp phích tuyên truyền cùng các thông điệp công khai khác để nhấn mạnh những điểm chính trong Tuyên bố chung tại Panmunjom: hòa bình, hợp tác và thống nhất.
"Chính quyền Triều Tiên cần phải giải thích được cho người dân lý do tại sao sau nhiều thập kỷ sống với hạt nhân và tinh thần sẵn sàng cho chiến tranh thì giờ đây họ cần đặt những tham vọng này sang một bên và kết bạn với kẻ thù", chuyên gia Moon nhận xét.
Có nhiều suy đoán về lý do Kim Jong-un thay thế bộ trưởng quốc phòng và tổng tham mưu trưởng bằng các tướng trẻ hơn. Ngoài lo ngại về nguy cơ đảo chính, Kim Jong-un có thể tin rằng tân Bộ trưởng Quốc phòng No Kwang-chol và tân Tổng tham mưu trưởng Ri Yong-gil đều là những người có nhiều hiểu biết về chính trị, có khả năng hỗ trợ tốt hơn trong hoạt động ngoại giao khi họ họp với quan chức Hàn Quốc và Tổng thống Mỹ.
Giáo sư Moon cho rằng Bình Nhưỡng có thể còn nhiều thay đổi nhân sự hơn khi các nỗ lực ngoại giao tăng đà. Kim Jong-un cần phải nhận được sự ủng hộ từ 25 triệu người ở nước mình, đặc biệt là trong giới quân sự. "Nếu không xử lý được những thay đổi trong nội bộ chính trị Triều Tiên thì những nỗ lực tiếp cận thế giới bên ngoài của Kim Jong-un sẽ gặp nguy hiểm", Moon đánh giá.