Thứ năm, 16/4/2020, 01:20 (GMT+7)

Ở những ngã ba sông lớn miền Tây, nhiều khu "chợ nổi" nhộn nhịp vừa mọc lên với hàng chục sà lan neo đậu, cung cấp duy nhất một mặt hàng đang khan hiếm: nước ngọt.

14h, nắng vẫn gắt, Nguyễn Văn Êm, 40 tuổi, dựng xe máy trước "chợ nước" ở xã Phú Phong, huyện Châu Thành, Tiền Giang rồi ra bến đợi sà lan chở nước cập vào.

Phía xa, chiếc sà lan 1.200 tấn, loại chở cát, đá đang chạy trên sông Tiền, khi đến đoạn ngã ba sông thì giảm tốc, rẽ vào bến đỗ. Phía sau, đoàn sà lan còn lại hơn 10 chiếc lần lượt thả neo, xếp hàng dài ngoài sông lớn, tựa như bầy bọ nước no kềnh bụng, kiên trì đợi đến lượt.

Chủ những chiếc sà lan chở nước là "nhà thầu" nhỏ của gói "giải khát tạm thời" 37 tỷ đồng của tỉnh Tiền Giang, để đưa nước đến các điểm cấp miễn phí cho người dân, cứu "thủ phủ sầu riêng" 12.000 ha.

Song, khi Nhà nước triển khai thì khối tư nhân không chỉ làm "thầu" mà còn tranh thủ kinh doanh riêng, bán cho những hộ có nhu cầu vượt "quota" (định mức) miễn phí.

Khu "chợ nổi" vừa hình thành với hơn 10 sà lan, có sức chứa từ vài trăm đến hàng nghìn khối nước, neo đậu tại ngã ba sông Tiền, huyện Cai Lậy.

Mỗi ngày, những chiếc sà lan khổng lồ chạy ngược sông Tiền hơn 50 km, mất 6 tiếng đến thượng nguồn ở Đồng Tháp, nơi mặn chưa xâm nhập, hút đầy nước, rồi mất thêm 8 tiếng quay lại hạ nguồn.

"Nước về rồi bà con ơi", Nguyễn Văn Êm, trong nhóm khoảng 50 người dân đi xe ba gác, xe máy, mang theo bồn, can nhựa đứng trên bờ sông, cùng reo mừng khi sà lan vừa cập bến.

Thả neo xong, chủ sàn lan cùng một nhóm 3 nhân công khởi động chiếc máy bơm, rồi dùng các đoạn ống chuyển nước lên một ao "dã chiến" 500 m2 được vây bằng các tấm bạt nhựa phía trên bờ. Từ ao này, nước tiếp tục được bơm vào các bồn, can nhựa. Dù có các mái che phía trên, nhóm người vẫn chật vật, mồ hôi như tắm dưới cái nắng cháy da.

- Chị Hai hai khối một trăm tư, chú Bảy đường gần hơn, bốn khối hai trăm.

Người đàn ông lái xe ba gác nói.

- Không chở được bữa nay đâu, kẹt cứng hết lịch rồi, mai mới rảnh, nghen.

Một chủ xe ba gác bên cạnh trả lời qua điện thoại với khách, trong khi tay đang cầm ống bơm nước vào các phuy chứa.

Tiếng nước chảy, tiếng động cơ máy bơm, xe cộ cùng những cuộc mặc cả chóng vánh thứ mặt hàng đang vào mùa "hot", khiến bến sông không khác gì một cái chợ.

Sầu riêng vốn là cây trồng "mẫn cảm", chỉ chịu được nước có độ mặn dưới 0,3 phần nghìn. Trong khi đó, mùa này Phú Phong đang là "rốn mặn" của huyện Châu Thành, nước trên sông luôn ở mức hơn 7 phần nghìn. Nên việc ưu tiên nước ngọt để "giải cứu" loài cây này là chuyện dễ hiểu.

Gói "giải khát tạm thời" được phân bổ xuống, chia cho từng hộ dân, dựa vào tính nguy cấp của hiện trạng vườn sầu riêng. Sầu riêng trên 5 năm tuổi được cấp 2 khối nước cho một công, vì đã cho trái cần nhiều nước; còn sầu riêng mới trồng được cấp một khối; trong thời hạn 10 ngày.

Nước cấp miễn phí, nhưng nhiều người không có phương tiện chuyên chở, phải thuê các xe ba gác với giá 50.000 – 70.000 đồng một khối, tùy theo quãng đường xa hay gần. Một số nông dân vườn ở xa, đường lộ hẹp nên phải thuê các ghe chở nước với giá cao gấp đôi, gấp ba giá thị trường.

Thủ phủ sầu riêng thời tem phiếu đổi nước
 
 
Cảnh lấy nước ở bến sông.

Nguyễn Văn Êm cùng anh trai có hơn 9 công sầu riêng đang chết khát. Cả xe ba gác lẫn ghe đều không vào vườn được, anh phải trông cậy vào chiếc xe máy cà tàng thường ngày dùng để đi phụ hồ.

Sau khi lần lượt bơm đầy 5 can, mỗi can 30 lít xếp trên chiếc giá tự chế bằng sắt hàn phía sau yên xe, Êm nổ máy rẽ vào một con đường bêtông rộng 3 mét.

Chiếc xe chạy hết tay ga, xả khói mù mịt, liên tục rẽ ngoặt tránh các xe chở nước khác, chạy hơn 2,5 km rồi rẽ vào con đường đá xanh nhỏ chưa đến một mét, nằm sâu giữa vườn sầu riêng.

Sau khi tháo dỡ các can nước, đổ hết vào phuy nhựa, Êm mồ hôi nhễ nhại, tới gốc sầu riêng ngồi nghỉ mệt. Đây đã là chuyến xe thứ 6 trong ngày.

Nhiều ngày rồi, Êm liên tục chở nước như thế. Mỗi bận đi về khoảng 5 km, mất 45 phút, rồi phải khiêng lên, xuống, đổ nước vô bình xịt mang đi tưới cây. "Mệt đứt hơi, nên thường tới giờ cơm cũng không ăn nổi", Êm nói.

Nhà Êm có 9 anh chị em, họ đều đã lập gia đình, phần lớn đã ra ở riêng nhưng kinh tế chỉ đủ ăn chứ không dư dả. Êm ở chung nhà với mẹ già gần 80 tuổi, cùng một người anh và đứa cháu con của em gái Út gửi nhờ.

Bảy năm trước, anh trai thứ sáu của Êm lên liếp 4 công đất vườn cha mẹ chia cho để trồng sầu riêng. Vườn sau đó cho trái, trúng mùa được giá mấy năm liền.

Êm cũng được cha mẹ chia cho 5 công đất vườn. Ba năm sau, thấy anh trai khấm khá nên Êm cũng vay ngân hàng 300 triệu đồng, học làm giàu theo anh.

Vụ năm ngoái, vườn sầu riêng anh trai Êm tiếp tục lãi 150 triệu đồng. Họ dự định tháng tới sẽ đậy gốc để xử lý cây ra hoa, sang đến cuối năm là thu hoạch, rồi tiếp tục chăm sóc 5 công sầu riêng nhỏ của Êm.

Hai anh em chắc mẩm, lứa sầu riêng này lớn lên cho trái, Êm sẽ đổi đời, có tiền cưới vợ để không bị bạn bè trong xóm chọc là "già làng" nữa.

Êm hy vọng nhiều. Hai tháng trước, nước mặn bắt đầu xâm nhập sâu vào sông Tiền, Êm còn vững bụng, vì đợt mặn lịch sử 4 năm trước, nước mặn chỉ kéo dài một tuần rồi rút đi.

Êm đã nhầm, sau nhiều tuần dai dẳng, nước dưới sông ngày càng mặn hơn, trong khi nước trữ dưới các mương trong vườn càng vơi dần.

Hai anh em như ngồi trên đống lửa, Êm cắt nước tưới đám sầu riêng nhỏ, ưu tiên nước cho đám đã cho trái.

Sau hàng loạt nỗ lực, hai anh em bất lực đứng nhìn 4 công sầu riêng già lần lượt chết héo. Những cây chưa chết, lá cũng đã chuyển từ màu xanh sang vàng úa, rụng đầy quanh gốc. Đám sầu riêng nhỏ cũng bắt đầu chết khô gần phân nửa.

Mấy ngày này, má của Êm còn buồn hơn hai đứa con trai. Bà chỉ mong vụ mùa thuận lợi để Êm lập gia đình, bà có đứa cháu ẵm bồng. Thấy con bỏ cơm vì vườn cây khô héo, hay uống rượu, bà khuyên can, bảo giờ ráng đi chở nước, rồi đợi mưa xuống, chắc cũng cứu được phần nào.

Phía trước nhà, ao nước cạn trơ đáy, mớ bông súng còi cọc còn sót lại trổ những cái hoa tím bé tí tẹo. Một đám cá rô phi mắc cạn trong vũng nước nhỏ quẫy tung, vô tình thu hút những con cò đang mùa ốm đói sà xuống. Như vườn sầu riêng và Êm, chúng cũng đang cố chật vật sinh tồn trong mùa khắc nghiệt.

Người dân dùng xe ba gác hút nước ngọt để vận chuyển tới các nhà vườn trồng sầu riêng.

Sinh thời, Charles Fourniau, sử gia nổi tiếng người Pháp, khi miêu tả về miệt vườn ở Nam Bộ viết: "Tôi có cảm giác như đang tham quan khu vườn Ê - đen. Hãy tưởng tượng trên một khu đất rộng, rất nhiều cây ăn quả như cam, cây xoài... được tưới bằng những con lạch nhỏ, mang lại nước và sự tươi mát. Tất cả không phải thành dãy thẳng hàng như để kiếm tiền, mà là sự tổng hợp hài hòa gắn liền hai yếu tố: vẻ đẹp và sự phì nhiêu... Việt Nam được đặc trưng bởi những cánh đồng lúa, nhưng nhờ có miền Nam, nó còn là xứ sở của các vườn cây và hoa quả".

"Thủ phủ sầu riêng" dọc theo sông Tiền, từ Phú Phong (Châu Thành) đến cù lao Ngũ Hiệp (Cai Lậy) độ 20 cây số, hơn hai tháng trước còn là dải màu xanh bạt ngàn, mát rượi ven sông. Dọc các con lộ nhựa nhỏ xuyên qua vườn cây trĩu quả, những chiếc xe máy kĩu kịt các giỏ sầu riêng thơm nứt mũi, từ cù lao qua phà, sang phía bên kia đất liền nhộn nhịp như con thoi.

Cây sầu riêng bén duyên trên vùng đất ven sông gần nửa thế kỷ, mấy năm nay, do trúng mùa được giá, cao điểm gần 100.000 đồng một kg. Bình quân, mỗi ha nông dân trúng "nứt tay" từ 1 đến 2 tỷ đồng. Nhiều nhà còn mua ôtô, xây nhà nóc Thái.

Đây cũng được coi là vùng an toàn cao với nước mặn, bởi xung quanh là hợp lưu của những con sông lớn nhận nước từ thượng nguồn Mekong, gồm sông Tiền, sông Hàm Luông và sông Ba Lai, cách cửa biển đến 80 km. Bốn năm trước, nước mặn được xem là kỷ lục, cũng chỉ vào sâu cách cửa biển 20 km.

Nếu được chứng kiến "vườn địa đàng Nam Bộ" những ngày này, đến thăm những khu vườn như của Êm, hẳn Charles cũng sẽ thấy nao lòng.

Bên trong những vườn sầu riêng giờ đã chuyển thành màu xám, hệ thống ống phun nước lắp dọc thân cây để làm mát trực tiếp là nỗ lực cuối cùng của người dân. Ấy vậy mà dưới gốc, những đống lá héo quắt queo càng dày thêm, nhiều vườn sầu riêng đang thời điểm cho trái, miếng ăn đã đến miệng, cũng phải đứt ruột hái bỏ để dưỡng sức cho cây.

Một ao nước dã chiến cấp nước ngọt cho vườn sầu riêng ở xã Phú Phong.

Hai bên đường, các tiệm tạp hóa ngày thường ế ẩm, nay bày bán loại mặt hàng "đắt như tôm tươi", là can, phuy nhựa đựng nước. Các phép tính ngày thường của người dân như một công bao nhiêu tấn, lãi mấy trăm triệu giờ được thay thế bằng mục tiêu mới duy nhất: giúp cây sống sót qua mùa. Sầu riêng giờ trở thành một mối "sầu chung".

Chỉ tính riêng tại xã Phú Phong đã có hơn 200 ha sầu riêng "khát" nước, với khoảng 800 trăm hộ dân cần hỗ trợ. Bên cạnh ao nước dã chiến, máy bơm luôn hoạt động hết công suất, một nhóm cán bộ xã luôn túc trực, dùng sổ ghi chép và nhắc nhở các xe nước xếp hàng trật tự.

Do lượng người quá đông, để đề phòng một số người "gian lận", nhận quá định mức, nhà chức trách đã nghĩ ra một phương pháp quản lý có từ thời bao cấp: tem phiếu. Mỗi người dân khi đến khu vực sẽ phải xuất trình một phiếu nhận nước phát trước đó với thể tích quy định, khi nào nhận đủ nước phiếu sẽ bị thu hồi lại, trước khi nhận phiếu mới cho đợt tiếp theo.

Ông Cao Văn The (Ba The, 55 tuổi), nhà chỉ cách khu vực cấp nước một km, nhưng do đường hẹp, xe ba gác không thể vô, chở xe máy thì quá bất tiện, nên đành thuê ghe chở nước đi bằng đường sông.

"5 công sầu riêng nhà tôi mới ba năm tuổi, theo hạn mức chỉ được cấp 5 khối nước trong thời hạn 10 ngày", ông nói. Do ghe chỉ nhận vận chuyển nước từ 10 khối trở lên, nên ông phải để dành số tem phiếu từ đợt trước gộp với đợt này.

Ông Ba The cầm phiếu nhận nước tưới sầu riêng.

Bơm gần một tiếng, chủ ghe ngó nghiêng xem mực nước chừng đã đầy, nên ra hiệu tháo ống. Ba The ngồi trên bờ, nhìn ghe nước ngạc nhiên, vì lượng nước hơi ít so với mức 10 khối. "Chú Ba thông cảm, mùa này tàu chạy nhiều, chở đầy quá sợ chìm", chủ ghe phân trần:

Chiếc ghe gỗ sau đó nổ máy, chạy dọc theo sông Tiền đến vườn nhà Ba The, rồi thả ống dây hơn 100 mét, bơm nước vào các mương đã lót sẵn bạt nhựa. Ba The bảo, người miệt vườn xưa nay hào phóng, giữa trưa khách đường xa lỡ khát nước quá, cứ ghé ngang hàng lu bên hiên nhà, tự nhiên múc nước mưa mát lạnh mà uống.

"Có ai ngờ thứ tưởng như vô tận như nước, giờ họ lại cò kè từng chút, rồi phải phát tem phiếu để hạn chế lòng tham", ông cười như mếu.

Trong khi bơm nước vào các mương, Ba The cố tình vung vòi nước, tưới tắm cho mấy gốc vú sữa già khô héo bên bờ ao. Bà Ba ở gần đó thấy vậy, lên tiếng nhắc khéo: "Tưới nhín nhín thôi ông ơi, còn để dành xài lâu dài".

Dĩ nhiên bà Ba không lo xa, trước khi gầy dựng vườn sầu riêng, họ đã mất hàng chục năm trồng vú sữa lò rèn. Những năm trước, vườn vú sữa liên tục sai trái, được giá, mỗi năm thu lợi nhuận 100 triệu đồng. Những năm gần đây, cây sầu riêng cho lợi nhuận cao hơn, nên họ quyết định đi nước cờ mạo hiểm, chặt bỏ vườn vú sữa.

Còn khoảng hai năm nữa vườn sầu riêng của Ba The mới đủ tuổi cho trái. Giờ con nước mặn bất thường, dai dẳng khiến vườn cây của gia đình ông nặng thêm phí đầu tư. Ba The tính sơ sơ, năm công sầu riêng gần hai tháng nay đã tốn 12 triệu đồng, trong đó đến 6 triệu là tiền mua nước ngọt.

Trong sách Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ, giáo sư Trần Ngọc Thêm ghi nhận, suốt hơn nửa thế kỷ, tính đến năm 2013, miền Tây chỉ có 8 cơn bão đổ bộ trực tiếp vào đất liền cùng hơn 10 trận lụt. Do hầu như ít xảy ra thiên tai, nên khi có thiên tai thì chắc chắn sẽ là một "đại họa".

Ghe chở nước từ ao dã chiến về vườn của ông Cao Văn The. Mỗi ghe chở bình quân 10 khối nước, chi phí 70.000 đồng cho mỗi khối.

Ông già Ba The đã sống gần trọn đời mình ở xứ trái cây ven sông Tiền, qua những năm giặc giã đói kém, thợ gặt ra đồng giữa mùa khô phải dùng khăn rằn lót lỗ chân trâu lọc nước sình uống cầm hơi, lẫn đợt hạn mặn khốc liệt năm 2016, chưa có năm nào căng thẳng như năm nay.

Những ngày này, già Ba buồn "thúi ruột", ngoài vườn sầu riêng đang khát khô, hàng trăm chậu kiểng, lan các loại thường ngày ông cưng như trứng mỏng, giờ nằm chỏng chơ, khô héo. Thấy vợ buồn, ông đang ngồi uống trà, cũng cố tếu táo rằng, giờ có lẽ niềm an ủi lớn nhất của người dân xứ này là đỡ tốn tiền đi xa tắm biển.

"Cứ đà này kéo dài, mấy bữa nữa chắc bà nó múc nước sông lên kho cá cho đỡ tốn tiền mua mắm muối", ông đùa gượng với vợ.

Nhưng già Ba dù sao vẫn giữ được "thể diện tuổi già". Vì chỉ chở nước tưới vườn bằng đường thủy mà ông già không phải chen lấn chở nước trên đường bộ với lớp con cháu như Êm.

Êm, không chỉ dùng nước miễn phí Nhà nước cấp. Mà còn bất đắc dĩ phải chen chân vào "thị trường nước" do tư nhân kinh doanh với hy vọng cứu được sầu riêng.

Đường chật, xe đông, Êm bảo có hôm đang chở nặng, bo cua gấp, hai xe máy tông nhau, nước văng tung tóe. Họ đau điếng, lồm cồm ngồi dậy nhìn nhau cười trừ, rồi dắt xe đường ai nấy đi. Chẳng người nào dư thời gian để vướng vô mấy chuyện phiền phức, trước tình cảnh vườn cây đang chết dần.

Có hôm, Êm đang chở nước, ngước nhìn lên bầu trời thấy mây đen vần vũ, gió se lạnh báo hiệu một cơn mưa, anh mừng rơn trong bụng, nhưng nắng sau đó vẫn tiếp tục gay gắt đến khi mặt trời lặn hẳn. "Chẳng còn quy luật gì đúng hết trọi giữa mùa này", Êm bảo.

Tối ba đêm trước, xã Phú Phong cuối cùng cũng đón cơn mưa trái mùa hơn một giờ, tưới tắm nhiều vườn cây quanh vùng. Nhưng chỉ ngày hôm sau, tại khu cấp nước, các cán bộ xã vẫn đi lại như con thoi, tiếp tục phát hành các phiếu cấp nước, lần này là ưu tiên cho các vườn cây bưởi, sapoche. Bởi mùa mưa thật sự vẫn còn dài ở phía trước, và những vườn cây thì không thể đợi.

Nguyễn Văn Êm bên cây sầu riêng 7 năm tuổi chết khô. Anh và anh trai có gần 4 công sầu riêng (4.000 m2) cho trái bị chết do thiếu nước.

18h, Êm chạy chiếc xe máy cà tàng trở về nhà, bỏ ra mái hiên nằm đưa võng, mặt buồn thiu khi chợt nhớ đã gần đến kỳ đóng lãi nợ ngân hàng. Tivi lẫn đài radio vẫn đang ra rả về dịch bệnh lẫn tình trạng căng thẳng do mùa hạn mặn kéo dài. Tiền Giang cùng 7 tỉnh miền Tây đang trong tình trạng hạn mặn khẩn cấp, vừa nhận cấp gói hỗ trợ 530 tỷ đồng từ Chính phủ.

Từ vùng cây ăn quả Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè, từ xứ biển Gò Công đến thủ phủ sả Tân Phú Đông đều trong tình trạng khát khô, sinh hoạt lẫn sản xuất đều đang gặp khó.

Cơn mưa trái mùa đã cứu nhiều vườn cây, nhen lên một tia hy vọng cho nhiều người dân ven sông Tiền. Khi khu vườn đã có chút nước dưới mương, Êm tháo chiếc giá chở nước sau yên xe hàng ngày, chạy quanh xóm xin làm phụ hồ. Nhưng do mùa này nước vẫn còn mặn, không thể trộn vữa, nên anh đành quay về.

"Mưa xuống có nước rồi, đỡ cực thân chạy xe đi chở, nhưng vui gì nổi, vì vườn của tui còn cây sầu riêng nào sống nữa đâu mà tưới", Êm nói như mếu.

Bài: Hoàng Nam - Phạm Linh

Ảnh: Hoàng Nam - Hữu Khoa