Những ngày cuối tháng 12, anh Phan Văn Sang, trồng 3 ha quýt hồng ở xã Long Hậu bận rộn các công đoạn sản xuất cuối cùng như tỉa trái, cột nhánh. Quýt đã trĩu cành một màu vàng ươm bắt mắt. Chủ vườn cho biết vài năm gần đây chuyển dần sang canh tác hữu cơ nên vườn quýt ít bị nứt trái, khô múi. Năng suất không bằng thời kỳ cực thịnh song nông dân thấy vui vì cây khoẻ, quýt sạch và an toàn.
Bên cạnh trồng quýt đơn thuần anh Sang và hơn chục nhà vườn ở Lai Vung còn mở cửa đón khách tham quan, vừa gia tăng thu nhập vừa quảng cáo trái quýt vươn xa. "Sẵn vườn quýt rộng và đẹp, mấy anh chị em trong nhà quyết định làm du lịch, mỗi người phụ trách một khâu", anh Sang chia sẻ.
Cùng tình yêu với quýt, những lão nông kinh nghiệm hàng chục năm đưa quýt hồng lên chậu cũng tất bật chăm sóc để trái quýt căng mọng, cành lá xum xuê. Đã nhiều năm quýt hồng trồng chậu đã trở thành mặt hàng chưng tết không thể thiếu vì đẹp và độc đáo.
Tại vườn quýt Bảy Khiêm 300 chậu quýt xử lý cho trái thành công sẵn sàng đưa ra thị trường. Năm nay thời tiết tương đối thuận lợi nên tỉ lệ thành công lên đến 80%, cây đẹp hơn song giá vẫn không đổi từ một triệu đến 6 triệu đồng. "Trồng quýt chậu không quá khó nhưng phải săn sóc rất kỹ vì cây trên chậu dễ nhiễm bệnh, phát hiện kịp thời mới chữa được", ông Lưu Văn Khiêm chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của nông dân, quýt trước khi lên chậu phải trồng dưới đất một năm, mất thêm hai năm để cây quen dần môi trường trồng chậu thì xử lý ra trái. Những năm đầu người trồng không nên để trái quá nhiều cây sẽ bị suy và không đẹp. Từ năm thứ tư cây sẽ cho tàng đẹp, trái nhiều và lớn trái. Với quýt trồng chậu, nông dân lãi gấp nhiều lần so với trồng quýt thông thường nhưng nhiều năm cũng lỗ vốn nếu tỉ lệ ra trái thấp.
Theo thống kê của UBND huyện Lai Vung, diện tích quýt hồng của huyện còn khoảng 200 ha giảm nhiều so với 800 ha thời cực thịnh. Những người còn bám trụ với nghề trồng quýt cũng bởi nặng lòng với loại trái giúp họ gầy dựng sự nghiệp, nuôi dạy con nên người.
Ông Võ Hoàng Cương, Bí thư huyện Lai Vung, chia sẻ nông dân ở huyện rất mong vực dậy được cây quýt hồng sau giai đoạn cây chết hàng loạt do bệnh vàng lá chết nhanh. Đến nay nông dân dần thay đổi nhận thức thay vì chạy theo sản lượng thì chú trọng hơn vào chất lượng, sản xuất ra "trái quýt ngon mà phải lành".
"Tư duy này đã thấm vào nhận thức, tình cảm của người trồng quýt ở Lai Vung", ông Cương nói và cho biết thêm để quảng bá đặc sản quê nhà huyện sẽ tổ chức lễ hội quýt hồng từ ngày 5 đến ngày 8/1/2023.
Lai Vung - huyện nằm phía Nam tỉnh Đồng Tháp, cách TP Sa Đéc khoảng 10 km. Vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu được thiên nhiên ưu đãi nguồn nước ngọt và phù sa, từ lâu đã trở thành vùng cây lành, trái ngọt. Lai Vung được mệnh danh là thủ phủ quýt hồng vì trồng diện tích lớn và tập trung. Quýt hồng chỉ cho trái vào đúng dịp Tết âm lịch. Do có màu sắc bắt mắt, quýt hồng được nhiều người lựa chọn cho mâm trái cây ngày Tết.
Ngọc Tài